Yahoo – từ chiến thuyền đến con tàu đắm

Theo Wall Street Journal, hội đồng quản trị của Yahoo tuần này sẽ họp bàn về tương lai công ty. Một trong những kế hoạch sẽ được đưa ra thảo luận là khả năng bán mảng kinh doanh Internet cốt lõi – gồm nhiều website như Flickr và Tumblr.

Nếu quyết định được đưa ra, đây sẽ là bước ngoặt mới nhất với công ty vốn đã rất khó khăn suốt nhiều năm qua này, CNN nhận xét.

Yahoo thành lập năm 1994 với tên “Hướng dẫn của Jerry và David về World Wide Web”, với một danh sách website được sắp xếp theo nhóm bởi hai sinh viên tốt nghiệp Đại học Stanford – Jerry Yang và David Filo.

Yang và Filo sau đó rất nhanh đổi tên thành Yahoo. Ngày 2/3/1995, Yahoo chính thức trở thành một công ty. Kể từ đó, họ phát triển nhanh chóng và cũng trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm.

1. Trước khi bong bóng dotcom và Google xuất hiện (1995-2000)

yahoo-tu-chien-thuyen-den-con-tau-dam

David Filo (trái) và Jerry Yang (phải). Ảnh: Webblog 360

Trước khi bong bóng dotcom (bong bóng cổ phiếu công ty Internet) diễn ra, Yahoo đã trở thành một gã khổng lồ Internet. Website này nhanh chóng trở thành một trong những công cụ tìm kiếm và cổng thông tin web phổ biến nhất thế giới.

Vào thập niên 90, Yahoo khá giống Google ngày nay – ai cũng mở website của họ khi vào Internet. Sau đó, Yahoo liên tục mua lại hàng chục công ty để mở rộng trong giai đoạn đầu.

Một trong những thương vụ thành công nhất của họ là mua Four 11. Yahoo đã mua dịch vụ webmail này với giá 92 triệu USD vào tháng 3/1997. Cuối cùng, nó trở thành nền tảng cho Yahoo Mail – dịch vụ thư điện tử lớn thứ 3 thế giới, sau Gmail của Google và Outlook của Microsoft.

Tháng 1/1999, Yahoo mua GeoCities – giúp rất nhiều người dùng Internet lập website. GeoCities là website có lượng truy cập lớn thứ 3 thế giới hồi đó, sau AOL và Yahoo. Nhưng sau này, nó rất nhanh chóng bị các mạng xã hội vượt mặt, như MySpace và Facebook.

Yahoo cũng mua Broadcast.com tháng 4/1999 với giá 5,7 tỷ USD, biến doanh nhân Mark Cuban thành tỷ phú. Dịch vụ này khá tiên tiến thời bấy giờ, khi cho phép phát sóng các chương trình radio và TV trên Internet. Yahoo sau đó chia Broadcast.com thành nhiều mảng nhỏ, nhưng không cái nào còn tồn tại đến ngày nay.

2. Sau bong bóng dotcom (2001-2008)

yahoo-tu-chien-thuyen-den-con-tau-dam-1

Flickr là một trong những website chia sẻ ảnh lớn nhất thế giới. 

Không như nhiều đối thủ, Yahoo vẫn tồn tại sau khi bong bóng này vỡ vụn. Dù vậy, họ cũng không tránh được các hậu quả tiêu cực. Giá cổ phiếu giảm mạnh từ đỉnh 118,75 USD hồi tháng 1/2000 xuống chỉ còn hơn 4 USD tháng 9/2001.

Khi Google bắt đầu phổ biến, vị thế thống trị mảng công cụ tìm kiếm của Yahoo dần lung lay. Năm 2002, Google thay thế Yahoo làm công cụ tìm kiếm mặc định của AOL. Và chặng đường sau này của Yahoo còn ảm đạm hơn nữa.

Dù vậy, bức tranh về Yahoo vẫn còn vài điểm sáng. Họ mua một công ty nhỏ có tên Ludicorp năm 2005 với giá 25 triệu USD. Công ty này có một website chia sẻ ảnh tên Flickr. Giờ đây, Flickr là một trong những trang chia sẻ ảnh lớn nhất Internet.

Cùng năm đó, Yahoo thực hiện một trong những thương vụ may mắn nhất của mình – trả 1 tỷ USD mua 40% cổ phần Alibaba. Số cổ phần đó giờ đáng giá gấp 30 lần. Nhưng sai lầm lớn nhất của hãng chính là từ chối lời đề nghị mua lại của Microsoft năm 2008 với giá 46 tỷ USD – cao hơn 15 tỷ USD vốn hóa của Yahoo hiện nay.

3. Con tàu đắm (2009 – hiện nay)

yahoo-tu-chien-thuyen-den-con-tau-dam-2

Biển quảng cáo của Yahoo tại San Francisco đang bị gỡ bỏ. Ảnh: Chronicle

Khi Yahoo vẫn còn chật vật tăng trưởng, họ lại trải qua nhiều xáo trộn về lãnh đạo cấp cao. Nhà sáng lập Jerry Yang ra đi năm 2009, để lại chức CEO cho cựu lãnh đạo Autodesk – Carol Bartz. Sau khi sa thải Barzt qua điện thoại năm 2011, Yahoo đưa về cựu chủ tịch PayPal – Scott Thompson tháng 1/2012.

Thompson muốn biến Yahoo thành một công ty truyền thông. Nhưng chỉ 4 tháng sau, ông bị sa thải sau một scandal về gian lận bằng cấp. Dù vậy, ông cũng đã kịp sa thải 14% nhân sự Yahoo.

Năm 2012, Yahoo chọn cựu lãnh đạo Google – Marissa Mayer làm CEO. Bà Mayer ngay lập tức muốn thay đổi văn hóa công ty, tập trung cải thiện trải nghiệm người dùng, đổi logo, thuê các nhân tài truyền thông như Katie Couric. Mayer cũng chỉ đạo thương vụ mua lại Tumblr với giá 1,1 tỷ USD năm 2013.

Tuy nhiên, Yahoo dưới thời Mayer vẫn chưa thể phát triển. Họ để mất danh hiệu website có lượng truy cập cao nhất thế giới về tay Google năm 2011. Từng là mạng quảng cáo online lớn nhất, giờ Yahoo lại phải nhường ngôi cho Google và Facebook. Thậm chí, khoảng cách giữa họ đang ngày càng nới rộng.

Yahoo đã không thể tận dụng lợi thế về lượng người dùng khổng lồ và chuyển chúng thành doanh thu quảng cáo. Từ đầu năm, cổ phiếu hãng này đã mất 35%.

Thời gian gần đây, các tin tức xấu cũng liên tục đổ đến Yahoo. Sở thuế vụ Mỹ (IRS) có thể yêu cầu hãng này trả thuế nếu bán 30 tỷ USD cổ phần trong Alibaba. Trong khi đó, nhóm cổ đông Starboard lại yêu cầu Yahoo không được bán cổ phần Alibaba, mà nên cân nhắc bán mảng kinh doanh Internet.

Hà Thu

0913.756.339