Trên Wall Street Journal, chuyên gia kinh tế Lê Đặng Doanh cho rằng thương mại và đầu tư từ Trung Quốc thường đi liền với những kế hoạch quân sự ngầm, tính toán về kinh tế hay bẫy sinh thái. Nhưng đây cũng chính là lý do ông Doanh cho rằng Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) là ý tưởng khá khôn ngoan. Bởi nó sẽ làm dịu sự lo lắng khi người Trung Quốc rải tiền đầu tư khắp thế giới. Ông Doanh cũng đánh giá cao các nước phương Tây khi phá bỏ ranh giới với Mỹ và tham gia vào nhà băng này.
Trung Quốc đã thu hút Anh, Pháp, Đức và Italy bằng việc hủy bỏ quyền phủ quyết đối với các quyết định của ngân hàng. “Đây là cách tiếp cận mềm mỏng, linh hoạt và rất thông minh”, ông Doanh nhận xét.
Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình và các khách mời trong lễ ra mắt AIIB năm ngoái. Ảnh: Reuters |
Khi phản đối AIIB, Mỹ không chỉ khiến quan hệ ngoại giao với các nước đồng minh thân cận rạn nứt, mà còn hủy hoại hình ảnh của mình trong mắt các nước đang phát triển. Các nền kinh tế mới nổi đang ráo riết xây dựng cơ sở hạ tầng, còn Trung Quốc có thể cung cấp nguồn vốn dồi dào. Điều họ lo ngại chỉ là sợ bị cuốn sâu vào quỹ đạo của Bắc Kinh. Ông Doanh cho rằng trong khi Trung Quốc cố gắng cân bằng những lo lắng về ngân hàng mới, thì Mỹ lại mắc kẹt trong lối mòn tư duy.
Quốc hội Mỹ đã không thông qua nguồn vốn bổ sung cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) – điều cần thiết để giúp Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi có tiếng nói hơn. Đây là một trong những lý do Trung Quốc cố gắng kêu gọi sự ủng hộ cho AIIB. Nói rộng hơn, Mỹ đang cố gắng ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khi thúc giục nước này đảm nhận trách nhiệm quốc tế lớn hơn. Tổng thống Mỹ – Barack Obama chỉ trích Trung Quốc là “ngư ông đắc lợi” trong hệ thống quốc tế. Nhưng khi Trung Quốc đưa ra các sáng kiến, như AIIB, Mỹ lại tìm cách dập tắt.
Chi tiết về cách quản trị ngân hàng này vẫn chưa được công bố. Nhưng Washington lo ngại AIIB sẽ đóng vai trò như một công cụ tinh vi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Mỹ cũng nghi ngờ những cam kết về các tiêu chuẩn môi trường và xã hội của ngân hàng này.
Những lo lắng đó không phải là vô căn cứ. Các quốc gia từ Đông Nam Á cho tới châu Phi và Mỹ Latin cũng từng phải nếm trái đắng với các dự án hủy hoại môi trường do Trung Quốc đầu tư. Các dự án này đôi khi đổ lên đầu nước sở tại những khoản nợ khó trả và lấn át đầu tư giá trị hơn nhiều của tư nhân. Hơn nữa, những khoản đầu tư và hỗ trợ của Trung Quốc thường gắn liền với điều khoản sử dụng các công ty xây dựng, công nghệ, nguyên vật liệu và công nhân của nước này.
Trung Quốc đang phải tất bật cứu vãn dự án xây dựng trị giá 1,4 tỷ USD tại Sri Lanka trong kế hoạch khôi phục Con đường Tơ lụa nối tới châu Âu. Việc xây dựng thành phố cảng Colombo, khởi công năm ngoái, đã bị đình chỉ sau khi chính quyền mới tại Sri Lanka lên tiếp quản. Dự án này đang bị điều tra về vấn đề tham nhũng và sai phạm hợp đồng.
Không đâu những thất bại trong chính sách kinh tế của Trung Quốc lại thể hiện rõ ràng hơn Myanmar. Không như Việt Nam, Myanmar đón nhận đầu tư của Trung Quốc khá nồng nhiệt, biến Trung Quốc thành nhà đầu tư lớn nhất của Myanmar. Nhưng đến năm 2011, Myanmar đã đình chỉ một dự án thủy điện trị giá 3,6 tỷ USD do Trung Quốc đầu tư trước làn sóng phản đối của người dân về vấn đề môi trường. Động thái này phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng: Myanmar không phải là vệ tinh của Trung Quốc và đang vươn ra Phương Tây.
Trung Quốc đang đặt uy tín quốc tế của mình lên bàn cân. Nếu thực sự dùng AIIB như một phương tiện để bành trướng ra quốc tế, hoặc giảm bớt thặng dư công nghiệp, họ sẽ phải trả giá đắt. Tuy nhiên, đến nay, Bắc Kinh vẫn đang phát ra những tín hiệu khá tốt. Nó khiến ông Doanh cho rằng có vẻ Mỹ đang tham gia một cuộc chiến sai lầm.
Thanh Tuyền(theo Wall Street Journal)