Tiến sĩ Vũ Đình Ánh chia sẻ quan điểm về về thị trường tài chính tiêu dùng và vai trò của mô hình này đối với nền kinh tế.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh. |
– Đánh giá của ông về mức tăng trưởng tín dụng tiêu dùng năm 2015?
– Đến tháng 9/2015, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng tới 31,49% so với 31/12/2014. Tín dụng tiêu dùng cũng gia tăng tỷ trọng trong tổng cơ cấu dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, từ mức 6,31% tại tháng 9/2014 lên 8,02% tính đến tháng 9/2015. Với quy mô tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tại thời điểm 9/2015, quy mô tín dụng tiêu dùng tương ứng với tỷ trọng trên là khoảng 357.000 tỷ đồng. Quy mô này cũng gần tương đương với dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản tại cùng thời điểm.
Trong diễn biến tăng trưởng tín dụng tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2015, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống tăng 32,41% so với cuối năm 2014 và chiếm tỷ trọng 96,27% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng; cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng tăng 11,41% so với cuối năm 2014 và chiếm tỷ trọng 3,73%. Như vậy có thể khẳng định, tín dụng tiêu dùng đã góp phần quan trọng, tích cực vào việc tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế Việt Nam.
Quan trọng hơn, tín dụng tiêu dùng đã góp phần làm tăng khả năng thanh toán của một bộ phận dân cư. Điều này giải quyết vấn đề đầu ra của sản phẩm trong thị trường hàng hóa Việt Nam, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, giảm bớt hàng tồn kho, tạo điều kiện tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp.
– Với quy mô của thị trường cho vay tiêu dùng hiện tại, các công ty tài chính cạnh tranh nhau như thế nào?
– Có thể thấy hiện quy mô cho vay tiêu dùng còn nhỏ, số lượng các công ty tài chính (đặc biệt là công ty tài chính chuyên về cho vay tiêu dùng) còn khá ít. Với tốc độ cho vay tiêu dùng tăng lên rất mạnh nhưng quy mô còn nhỏ như hiện nay thì chưa đến giai đoạn các công ty tài chính phải cạnh tranh với nhau một cách mạnh mẽ. Vấn đề là phải giữ thị phần và mở rộng thị phần của mình. Cơ hội hiện rất lớn cho tất cả các công ty tài chính.
– Lãi suất cho vay tiêu dùng hiện nay ở mức cao. Theo ông, lý do vì sao mức lãi suất này chưa giảm?
– Lãi suất đó được điều tiết bởi thị trường. Nó sẽ giảm xuống khi thị trường cho vay tiêu dùng đủ lớn với mức độ cạnh tranh giữa các công ty tài chính với nhau và với các tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng khác. Lãi suất cho vay tiêu dùng khi đó sẽ được thiết lập theo quan hệ cung cầu và quy luật cạnh tranh đầy đủ.
Trong thời gian tới, với sự phát triển của thị trường, với số lượng và quy mô hoạt động của các công ty tài chính như hiện tại, sự cạnh tranh đó là có nhưng chưa gay gắt và được gọi là giai đoạn đầu giống như khai phá thị trường.
– Theo ông lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính nên ở mức nào là hợp lý?
– Nên ở mức nào thì rất khó, bởi về nguyên tắc, Bộ luật Dân sự có quy định về trần lãi suất, nếu vượt quá trần lãi suất đó thì sẽ trở thành cho vay nặng lãi hay còn gọi là tín dụng đen. Tuy nhiên, trong luật cũng có nội dung đề cập đến các quy định khác, liên quan đến sự thỏa thuận giữa bên đi vay và bên cho vay. Với đặc điểm thị trường còn mất cân đối cung cầu như hiện nay, cho vay tiêu dùng với các điều kiện về cạnh tranh còn hạn chế.
Có thể nói, lãi suất cho vay tiêu dùng hiện nay hợp lý hay không hợp lý phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa hai bên. Khi thị trường phát triển, lãi suất đó sẽ được điều tiết bởi quy luật cung cầu cũng như quy luật về cạnh tranh.
– Người dân nên lựa chọn phương thức vay tiêu dùng như thế nào để có lợi?
– Lợi thế của phương thức vay tiêu dùng phụ thuộc vào khả năng quản lý tài chính của mỗi cá nhân cũng như khả năng lựa chọn nơi vay tiêu dùng và các điều kiện đi kèm. Theo đó, mỗi cá nhân trước khi quyết định vay tiêu dùng cần xác định vay tiêu dùng chỉ là một trong những biện pháp chứ không phải là biện pháp duy nhất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của mình trong điều kiện tài chính cụ thể hiện tại và khả năng trong tương lai.
– Trong thời gian tới, Nhà nước cần có chính sách gì để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng?
– Có rất nhiều việc cần làm để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng. Tuy nhiên, có hai việc cơ bản cần giải quyết là phát triển cung để đảm bảo cân đối giữa cung và cầu. Đồng thời, cần hoàn thiện các quy định pháp lý để giảm thiểu rủi ro phát sinh trong quá trình cho vay tiêu dùng. Rủi ro đó ở phía người cho vay – các công ty tài chính và định chế tài chính khác, cũng như người đi vay, tiến tới giảm rủi ro chung cho thị trường cho vay tiêu dùng có thể phát triển tốt và lành mạnh.
Nhóm vấn đề thứ hai thuộc quan hệ cung cầu, đó là cho vay tiêu dùng nên gắn với chủ trương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Do đó, cần một cơ chế để thanh toán không dùng tiền mặt gắn với cho vay tiêu dùng. Như vậy, nó sẽ phù hợp với phát triển mang tính hệ thống, cũng như trình độ phát triển của công nghệ thông tin, kiểm soát được hoạt động cho vay tiêu dùng. Đồng thời,có thể cảnh báo rủi ro đối với người tiêu dùng khi đến ngưỡng nhất định nào đó.
Để phát triển cho vay tiêu dùng, bản thân người đi vay cũng cần được trang bị kiến thức và bồi dưỡng nhận thức về quản lý tài chính cá nhân, quản lý tài chính hộ gia đình, gắn với đó là các dịch vụ về quản lý tài chính, tư vấn tài chính. Làm được điều đó, cho vay tiêu dùng mới phát huy tối đa hiệu quả.
Nguyễn Quân