Chỉ đạo tại cuộc họp vào tháng 7/2015, Thủ tướng yêu cầu điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo nguyên tắc phân chia thành các nhóm nhỏ và áp dụng “mức thuế cao và đặc biệt cao” đối với các dòng xe đến 9 chỗ ngồi có dung tích trên 3.000 cm3. Do đó, giữa tháng 8, Bộ Tài chính đã nêu phương án giảm mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt dòng xe dưới 2.000 cm3 từ 45% như hiện hành về 30-40%. Ngược lại, các dòng xe phân khối lớn từ 2.000 cm3 trở lên, xe đắt tiền, tiêu hao nhiều nhiên liệu… sẽ phải chịu mức thuế suất cao, từ 60-75%. Theo dự kiến của Bộ Tài chính, mức thuế suất mới áp dụng từ đầu tháng 7/2016 và sẽ giảm 5% vào đầu năm 2018.
Với phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe phân khối lớn, giá ôtô dự kiến có thể tăng. |
Tuy nhiên, trong văn bản tham gia ý kiến mới đây, Bộ Công Thương thậm chí còn muốn các loại xe sang, xe phân khối lớn phải chịu mức thuế suất cao hơn nữa. Ngoài ra, cơ quan này đề xuất áp dụng thống nhất mức thuế mới đồng loạt từ 1/7/2016. Cụ thể, xe từ 2.000 cm3 đến 3.000 cm3, Bộ Công Thương đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt tăng từ 50% như hiện hành lên 70%; xe từ 3.000 cm3 đến 4.000 cm3 tăng từ 60% lên 90%. Cao nhất, các loại xe dưới 9 chỗ ngồi có dung tích xi lanh trên 6.000 cm3 có thể phải chịu thuế suất 150% (thay vì 60%) như hiện nay.
Phương án với xe ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, phân khối lớn
Dòng xe / Thuế suất | Hiện hành | Bộ Công Thương kiến nghị | Bộ Tài chính kiến nghị |
Loại dung tích xi lanh 2.000 – 3.000 cm3 | 50% | 70% | 60% từ tháng 7/2016; 55% từ năm 2018 |
Loại dung tích xi lanh 3.000 – 4.000 cm3 | 60% | 90% | 75% từ tháng 7/2016; 70% năm 2018 |
Loại dung tích xi lanh 4.000 – 5.000 cm3 | 60% | 110% | 75% từ tháng 7/2016; 70% năm 2018 |
Loại dung tích xi lanh 5.000 – 6.000 cm3 | 60% | 130% | 75% từ tháng 7/2016; 70% năm 2018 |
Loại dung tích xi lanh trên 6.000 cm3 | 60% | 150% | 75% từ tháng 7/2016; 70% năm 2018 |
Bên cạnh đó, về đề xuất sửa cách giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hạn chế việc chuyển giá của các công ty, Bộ Công Thương cho rằng chưa hợp lý và kiến nghị giữ nguyên như cũ. “Bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế tính trên giá thành sản phẩm. Do đó, quy định ‘giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do các công ty con bán ra thị trường’ sẽ không có cơ sở để xác định được giá trị thực tế của sản phẩm”, cơ quan này giải thích.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Tài chính giải trình cụ thể hơn cơ sở để xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do công ty con bán ra thị trường mà không phải là đối tượng khác do thực tế có thể phát sinh trường hợp công ty mẹ không chỉ bán hàng qua công ty con mà có thể qua hệ thống phân phối trong cùng công ty mẹ. “Như vậy, quy định như dự thảo Luật không khắc phục việc chuyển giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt qua công ty con hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ”, Bộ Công Thương đánh giá.
Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp bia, rượu, nước giải khát và thuốc lá đã nêu kiến nghị phản đối việc thay đổi giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt của Bộ Tài chính. Theo hiệp hội của các doanh nghiệp này, việc phân phối qua công ty con mà họ thực hiện không nhằm chuyển giá. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn lo ngại sẽ tăng chi phí hoặc mất sức cạnh tranh nếu tính thuế theo cách mới như đề xuất của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế để đề xuất Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới đây.
Thanh Thanh Lan