Nông sản ế khi mỗi Bộ nhìn về một hướng

Tại tọa đàm Tiêu thụ nông sản – Liên kết từ sản xuất đến thị trường do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 27/4, trong nhiều nguyên nhân được nêu để lý giải tình trạng nông sản được mùa mất giá, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)- Nguyễn Hữu Dũng cho rằng có sự lỏng lẻo giữa phối hợp điều hành của các cơ quan quản lý. Trong đó, công tác thông tin chưa đầy đủ.

“Có sự tách nhóm giữa Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và doanh nghiệp. Trong khi ngành nông nghiệp chỉ tập trung vào sản lượng, thì ngành công thương lại quan tâm đến giá trị, còn doanh nghiệp chỉ tính lợi nhuận”, ông Dũng nói. Do vậy, 3 nhóm thông tin cần có sự phối hợp, tránh kìm hãm lẫn nhau.

8-1428478704-660x0-8130-1430123491.jpg

Thiếu kết hợp trong cung cấp, xử lý thông tin thị trường giữa các cơ quan quản lý là một trong những lý do khiến tiêu thụ nông sản gặp khó. Ảnh: Quý Đoàn

Nhận trách nhiệm phát triển thị trường thuộc Bộ Công Thương, song Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng ngành không thể làm một mình mà cần sự phối hợp với Bộ NN&PTNT, dựa trên quy hoạch chung. “Sự rạch ròi, lẫn thiếu sự tổng thể dẫn đến đứt đoạn thông tin giữa bộ ngành quản lý của Nhà nước với địa phương, đứt đoạn giữa chính quyền với doanh nghiệp và người dân”, Thứ trưởng thừa nhận.

Theo Thứ trưởng, đã đến lúc cần xem vấn đề thị trường cho nông nghiệp là bài toán chung của cả hệ thống, trong đó thông tin tuyên tuyền cần phải cập nhật hàng ngày. Việc đổi mới không chỉ mô hình mà cả trong tư duy của nông dân và các thành phần kinh tế khác.

Dẫn chứng từ tiêu thụ dưa hấu thời gian qua, ông Trần Tuấn Anh cho biết đây là mặt hàng thời vụ, dễ tính, thị trường tiêu thụ tập trung ở khu vực biên giới. Song, việc nghiên cứu thị trường cũng như khâu tổ chức cho người dân không định hướng được rõ ràng, trong khi số lượng thương lái của hai bên chưa nhiều và cũng không có liên kết.

“Khai thác lợi thế là điều ai cũng hiểu. Song doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu liên kết thế nào với dân thì chưa có, thị trường vẫn chủ yếu là thương lái thu mua. Dưa hấu chỉ rộ lên khoảng 3 tháng, có quy hoạch mà khâu tổ chức không tốt thì chắc chắn người dân sẽ bị động đầu ra”, đại diện Bộ Công Thương nói.

Đánh giá cao vai trò thông tin trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho rằng thông tin luôn có sức mạnh, song vẫn chưa đủ khi việc xử lý, tổ chức, điều phối không được vận dụng linh hoạt.

“Phía đối tác chỉ nhập 300 xe một ngày nhưng đầu mối Việt Nam chỉ cần biết họ có nhu cầu nhập là ùn ùn kéo đến 1.000 xe, ách tắc là chắc chắn. Thế mới nói có thông tin là tốt nhưng xử lý sai nữa thì càng nguy hiểm”, vị này nói.

Bộ Công Thương cho biết, một trong những giải pháp tới đây trong việc hỗ trợ người dân cũng như doanh nghiệp là công tác tuyên truyền về hội nhập. Theo đó, cơ quan này sẽ phân tích riêng từng khía cạnh, ngành hàng để có những dự báo, cập nhật thường xuyên nhằm khắc phục được tồn tại thời gian qua trong vấn đề tiêu thụ nông sản.

“Bộ Công Thương không thể đi bán vải, bán cá, bán dưa hấu. Điểm mấu chốt trước tiên là khâu chính sách. Từ thực tế các mặt hàng nông sản vừa qua, ngành nông nghiệp và công thương sẽ ngồi lại xây dựng cơ chế phối hợp tránh tình trạng đứt đoạn thông tin và có cơ chế điều hành phù hợp với các mặt hàng nhạy cảm trước tác động thị trường như nông sản”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Thành Tâm

0913.756.339