Hong Kong (Trung Quốc) nổi tiếng có nền ẩm thực đa dạng, nhưng bánh mỳ vòng (bagel) vẫn hoàn toàn vắng bóng tại đây. Và Rebecca Schrage (Mỹ) đang cố gắng thay đổi điều đó.
Schrage là một tín đồ của bánh vòng. Ban ngày, cô là trưởng bộ phận dịch vụ khách hàng của Neuberger Berman tại Hong Kong. Nhưng đến tối, cô lại trở thành bà chủ dịch vụ làm bánh mỳ vòng theo yêu cầu.
“Mọi người đều biết tôi thích bánh vòng đến mức nào mà. Đến mức bạn bè tôi còn phải nói: ‘Tớ sẽ không đi chơi với cậu trừ phi cậu hứa đừng có nhắc đến bánh vòng'”, Schrage cho biết trên CNN.
Neuberger Berman (35 tuổi) vừa làm tài chính, vừa kinh doanh bánh mỳ vòng. Ảnh: AFP |
Một ngày bình thường của Schrage bắt đầu từ 4h sáng. Việc đầu tiên của cô sau khi ngủ dậy là tới một nhà bếp cách căn hộ chỉ vài phút đi bộ. Bột mỳ đã được nhào sẵn và nặn thành vòng từ hôm trước, sau đó để vào tủ lạnh qua đêm để lên men.
Sau khi được lấy ra, chỗ bột này sẽ được đun sôi, cho thêm nguyên liệu trang trí lên trên (hành, vừng) rồi mới nướng. “Bạn không thể chỉ chăm chăm theo công thức được, mà cần phải thực sự cảm nhận được nó”, cô cho biết.
Sau khi xong xuôi, cô lại chuẩn bị quần áo công sở để tới văn phòng của Neuberger Berman làm việc. Những gì học được trong ngành tài chính đã giúp đỡ cô rất nhiều khi quản lý cửa hàng bánh. “Những năm qua, tôi đã học được cách quản lý con người. Môi trường làm bánh tuy khác biệt, nhưng những kỹ năng điều hành và kinh doanh cũng tương tự thôi”, cô cho biết.
Khi chuyển đến Hong Kong 5 năm trước, Schrage gần như “bị cách ly” bởi món bánh mỳ vòng yêu thích. Vì vậy, cô bắt đầu tự làm tại nhà.
Người dân Hong Kong cũng rất thích bánh của Schrage. Ảnh: AFP |
Sau vài mẻ bánh thử nghiệm, một người bạn của Schrage đã đề nghị cô làm 35 chiếc bánh cho buổi sinh nhật. Schrage đã rất ngạc nhiên: “Tôi chưa bao giờ nướng 35 chiếc cả”. Nhưng cô vẫn làm và rất bất ngờ với cuộc điện thoại vào hôm sau từ một đầu bếp đã tham dự bữa tiệc. Ông ấy muốn đặt mẻ bánh khác cho nhà hàng của mình.
“Ông biết đấy, tôi làm bánh ở nhà mà”, Schrage nói. “Không sao, tôi vẫn muốn đặt”, người đầu bếp trả lời.
Những ngày sau đó, Schrage ngập trong hàng tá đơn hàng từ các nhà hàng, doanh nghiệp và cá nhân. Cô đã phải mua thêm lò nướng, tủ lạnh và nhiều thiết bị khác nữa.
Nhưng khi số đơn hàng lên tới cả trăm chiếc mỗi ngày, cô đã phải thuê một gian bếp ngoài, 2 thợ nướng bánh và một quản lý nữa. Cô cũng phải làm việc ngoài giờ để giao hàng. Thông thường, công việc của cô bận rộn nhất vào cuối tuần.
Schrage tham gia vào mọi khâu, từ nướng bánh, giao hàng, marketing đến phát triển sản phẩm. Vì tất cả loại bánh cô kinh doanh đều là làm theo yêu cầu, khách hàng thường có những đề nghị rất đặc biệt. Gần đây, cô còn làm bánh vòng màu hồng cho một tổ chức muốn nâng cao nhận thức về ung thư vú. Ngoài giao hàng tận nhà, cô còn bán ở vài khu chợ quanh thành phố và đang lên kế hoạch mở cửa hàng.
Schrage sinh ra tại Boston (Mỹ) và có mẹ là người Trung Quốc. Vì vậy, cô tin rằng mình có thể hiểu khẩu vị của người dân địa phương. Schrage đã làm loại bánh mềm hơn so với bánh phương Tây. Để quảng cáo cho sản phẩm, cô cũng thường đi dạo quanh thành phố và mời người dân nếm thử bánh vòng của mình. “Ai mà không thích bánh vòng cơ chứ. Chẳng có gì thực tế hơn là một chiếc bánh mỳ cả. Tôi đã ăn rất nhiều và cũng chưa bao giờ thấy chán”, Schrage cho biết.
Hà Thu