Nhận định trên được ông Bùi Quang Tiên – Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước – đại diện cho ngành ngân hàng nêu lên tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF 2015) do Ngân hàng Nhà nước và VnExpress tổ chức sáng 16/12. Đánh giá cao những nỗ lực thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của không chỉ ngành ngân hàng mà cả ngành thuế, hải quan nhưng đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng vẫn còn nhiều tồn tại cần giải quyết.
Đầu tiên là với câu chuyện nộp thuế điện tử – một trong các lĩnh vực dịch vụ công điện tử gần đây được Chính phủ, Bộ Tài chính và các doanh nghiệp rất quan tâm. Theo số liệu Bộ Tài chính, đến nay, đã có 92% số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đăng ký nộp thuế điện tử, tuy nhiên số lượng giao dịch còn chưa như kỳ vọng. Để cải thiện tình hình này, theo ông Bùi Quang Tiên, một trong những yêu cầu đặt ra là phải có sự đồng bộ, kết nối liên thông giữa hệ thống thông tin dữ liệu của Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước và hệ thống thanh toán của các ngân hàng. “Cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các bên để hỗ trợ doanh nghiệp sau khi đăng ký có thể nộp thuế điện tử dễ dàng, thuận tiện hơn”, ông nói.
Thị trường thương mại điện tử phát triển nhưng tỷ lệ thanh toán trực tuyến lại rất hạn chế là một trong những trở ngại khiến các nhà quản lý đau đầu. |
Tương tự, lãnh đạo Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước cũng nhắc đến tình trạng trả tiền mặt khi nhận hàng của thị trường thương mại điện tử hiện nay. Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam 2014 của Bộ Công Thương cho thấy mua bán trực tuyến đã phát triển rất nhanh thời gian qua với doanh thu B2C năm 2014 gần 3 tỷ USD. Tuy nhiên, trong số đó phần doanh thu đến từ thanh toán trực tuyến lại khá hạn chế với chỉ khoảng 5%. Do đó, theo Ngân hàng Nhà nước, một trong những yêu cầu đặt ra là cần có sự kết nối, tích hợp tốt hơn giữa các website thương mại điện tử với các dịch vụ thanh toán trực tuyến của các ngân hàng để khách mua hàng, thanh toán trực tuyến dễ dàng, thuận lợi và an toàn.
Liên quan tới mục tiêu phát triển thanh toán điện tử tại các điểm bán lẻ, số lượng POS được lắp đặt đã tăng nhanh, theo dự kiến của Vụ Thanh toán, cuối năm 2015 có thể đạt mục tiêu 250.000 POS nhưng số lượng giao dịch qua POS lại chưa cao. “Để có thể thúc đẩy thanh toán điện tử tại các điểm bán lẻ rất cần có những biện pháp hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý, mà cụ thể ở đây là sự phối kết hợp giữa Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để tạo ra động lực cho các điểm bán lẻ tích cực hưởng ứng thanh toán bằng thẻ qua POS lắp đặt tại cửa hàng”, ông Tiên cho hay.
Với vai trò là đơn vị đồng tổ chức VEPF 2015, Ngân hàng Nhà nước đề nghị giữa ngành ngân hàng và Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cũng như các đơn vị trực thuộc liên quan tăng cường việc trao đổi, bàn cách phối hợp đồng bộ, hiệu quả trên mọi khía cạnh từ cơ chế, chính sách, mô hình kết nối, các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiệp vụ, tiêu chuẩn công nghệ…
Ngân Hà