Tại hội nghị sơ kết 4 năm thực thi luật Trọng tài thương mại do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 9/9, nhiều ý kiến bày tỏ trăn trở để những phán quyết của trọng tài thương mại trở nên hiệu lực, được thực thi trong thực tế.
Là hình thức giải quyết tranh chấp phổ biến trong thương mại, trọng tài là đối tượng độc lập, do các bên thỏa thuận lựa chọn. Hội đồng trọng tài thường có 3 người, gồm đại diện của hai phía và chủ tịch do người đại diện của hai bên đề cử. Phán quyết trọng tài được lập theo nguyên tắc đa số, có giá trị chung thẩm.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng – Trần Thị Hồng Hạnh, hiện có rất nhiều tổ chức tín dụng muốn giải quyết các tranh chấp liên quan đến tài sản thế chấp qua trọng tài, nhằm giảm nhanh nợ xấu. “Cách thức này rõ ràng tiết kiệm hơn về kinh phí, thủ tục và thời gian so với kiện ra tòa án. Nhiều hội viên cho hay họ đã đâm đơn ra tòa song không biết bao giờ được giải quyết vì ngành tư pháp nói hồ sơ rất nhiều”, bà Hạnh chia sẻ.
Tuy nhiên, điều khiến đại diện ngân hàng lo ngại là các báo cáo tại hội nghị cho thấy một tỷ lệ khá cao các phán quyết trọng tài bị tòa án tuyên hủy sau đó. Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) – Nguyễn Thị Minh cũng thừa nhận, tình trạng tòa án hủy phán quyết còn cao là trở ngại lớn cho người dân, doanh nghiệp khi chọn phương thức trọng tài.
Báo cáo của Bộ này cho biết tính đến giữa năm 2014, tức sau khoảng 10 năm hình thức trọng tài thương mại được thực hiện ở Việt Nam, tỷ lệ hủy phán quyết chiếm 22% số đơn yêu cầu.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho rằng Việt Nam là nước có tỷ lệ phán quyết trọng tài bị hủy cao nhất thế giới. Ảnh: Chí Hiếu |
Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết đơn vị này đã huy động được đội ngũ trọng tài là các chuyên gia giỏi nhất nước trong các lĩnh vực, song vẫn là định chế “mong manh yếu đuối” khi phải đối mặt với nguy cơ bị Tòa án bác bỏ phán quyết.
Đại diện đến từ Tòa kinh tế thuộc Tòa án nhân dân TP HCM cũng minh họa thêm, từ 2011 đến tháng 3/2015, đơn vị này thụ lý 57 vụ việc liên quan đến trọng tài thương mại trong đó có 38 yêu cầu đòi hủy phán quyết.
“Trong số 53 vụ đã giải quyết thì tỷ lệ hủy chiếm 25%, trong khi giai đoạn trước đó chỉ là 18%”. Vị này cũng cho rằng việc gia tăng tỷ lệ hủy phán quyết là điều “không bình thường”. Dù vậy, ông cũng lạc quan về xu thế này sẽ thay đổi trong tương lai gần.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh kiến nghị, Bộ Tư pháp cần có hệ thống giám sát việc hủy bỏ phán quyết cũng như ngành tòa án phải đề ra được cơ chế minh bạch hóa việc này. “Ví dụ có nên quy định để tòa án Tối cao xem xét các bản án bị hủy. Chứ như hiện giờ tòa chỉ tuyên hủy một lần rồi xong mà không ai có quyền khiếu nại”, ông Huỳnh đề xuất.
Tuy vậy, nếu thực hiện đề xuất này, đại diện Hiệp hội Ngân hàng cho rằng cũng đồng nghĩa với việc trọng tài sẽ không tồn tại nếu không có tòa. “Vậy thì liệu phán quyết của trọng tài có đảm bảo được thực thi để chúng tôi yên tâm hơn khi lựa chọn tố tụng”, bà Hồng Hạnh phân vân.
Cũng theo bà Hạnh, rất nhiều trường hợp doanh nghiệp phàn nàn vì những yêu cầu của tòa án thiếu minh bạch, không theo thông lệ quốc tế. “Có trường hợp doanh nghiệp mở thư tín dụng (L/C) thì sẽ được ngân hàng chuyển tiền. Nhưng tòa án lại viện cớ hàng hóa đang có tranh chấp để áp dụng biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn cản thanh toán”, bà dẫn chứng.
Do vậy, theo bà Hạnh, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng thì hệ thống khuôn khổ pháp lý phải làm sao theo kịp thông lệ, để doanh nghiệp nội không bị mất uy tính, giảm sức cạnh tranh. Khi đó, doanh nghiệp và người dân mới tin tưởng lựa chọn phương thức trọng tài, theo xu thế của thế giới.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, từ năm 2011 đến 30/6/2015, các trung tâm trọng tài đã thụ lý gần 900 vụ việc liên quan đến tranh chấp thương mại. Song con số này chưa bằng 1% số vụ được ngành Tòa án giải quyết.
Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhìn nhận rào cản lớn nhất khiến người dân lựa chọn hình thức trọng tài còn quá khiêm tốn chủ yếu là do nhận thức. “Tư duy tòa án là trên hết khi giải quyết tranh chấp vẫn còn rất phổ biến. Tuy nhiên, các trung tâm trọng tài cũng phải đặt ra những quy chế khắt khe để khi ban hành phán quyết thì đó là những căn cứ thuyết phục”, ông Ngọc nói.
Bên cạnh đó, vị Thứ trưởng cũng cho rằng ngành tư pháp sẽ có kiến nghị về cơ chế để đảm bảo việc hủy phán quyết được minh bạch, đúng luật.
Chí Hiếu