Khẳng định vai trò chủ lực của doanh nghiệp Nhà nước

Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương cho biết, trong 5 năm (2010-2015), các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đạt tổng doanh thu hơn 6,4 triệu tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 608.476 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn một triệu tỷ đồng. So với năm đầu nhiệm kỳ 2010, đến năm 2015, vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong khối tăng trên 74,3%, đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng. Tổng tài sản tăng trên 66,4%, đạt 5,7 triệu tỷ đồng.

khang-dinh-vai-tro-chu-luc-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc

Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vượt qua nhiều khó khăn để duy trì và phát triển sản xuất. Đơn cử ngành công nghiệp năng lượng đảm bảo tốt về an ninh năng lượng quốc gia, điện lực, dầu khí và than đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng tăng. Doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông, lâm sản cà phê, cao su, giấy, thuốc lá đảm bảo duy trì sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động. Diện tích trồng cây cao su tăng hơn 20%, diện tích trồng cà phê tăng 18% so với năm 2010. Giá trị xuất khẩu cao su và cà phê thuộc 10 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên một tỷ USD một năm. Doanh nghiệp thương mại đẩy mạnh thu mua, chế biến, xuất khẩu lúa gạo hàng hóa của nông dân. Giá trị xuất khẩu lúa gạo thuộc 10 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên một tỷ USD một năm.

Lĩnh vực vận tải hàng không dân dụng vẫn khẳng định được vai trò chủ lực của doanh nghiệp nhà nước, chiếm 51% thị phần nội địa, tiếp tục giữ vững và mở rộng thị trường quốc tế, đồng thời đẩy mạnh phát triển thị trường hàng không nội địa giá rẻ với thị phần khoảng 13%. Vận tải đường sắt với nhiều giải pháp đồng bộ về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, đã chấn chỉnh nâng cao chất lượng dịch vụ, ngày càng thân thiện với khách hàng. Vận tải biển tích cực tháo gỡ khó khăn về tài chính, thị trường, đổi mới công tác quản trị, kinh doanh giảm bớt thua lỗ.

Lĩnh vực xây dựng dân dụng, bất động sản đã có nhiều cải tiến, đổi mới trong việc tạo ra những sản phẩm nhà ở mới đa dạng, phong phú, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng, thực hiện khá tốt nhiệm vụ an sinh xã hội, từng bước góp phần phục hồi thị trường bất động sản trong nước.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông đã đầu tư lớn vào dự án vệ tinh viễn thông Vinasat 2 giá trị trên 260 triệu USD, cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng chiếm hơn 51% thị phần. Dịch vụ viễn thông di động của hai nhà mạng MobiFone chiếm 21,6% và VinaPhone chiếm 25% thị phần.

Vốn chủ sở hữu, tài sản một số doanh nghiệp thương mại dịch vụ tăng so với năm 2010, như Tập đoàn Xăng dầu tăng 70% và 6%, cung ứng xăng dầu đạt trên 48% thị phần trong nước. Bốn ngân hàng thương mại nhà nước tích cực góp phần vào việc điều chỉnh lãi suất, tỷ giá, kiểm soát lạm phát, đảm bảo cán cân thanh toán, bình ổn thị trường tiền tệ, giữ vai trò chủ đạo của hệ thống ngân hàng trong đảm bảo thông suốt mạch máu của nền kinh tế đất nước, tài trợ vốn các dự án kinh tế, công trình trọng điểm quốc gia. Thị phần tín dụng giữ vị trí chi phối, với tỷ lệ trên 52%. Các ngân hàng chính sách huy động và cung cấp đủ vốn để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, quản lý tốt nguồn vốn trong và ngoài nước, vốn tín dụng chính sách đầu tư hàng năm chiếm 2,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, bằng 0,8% GDP.

khang-dinh-vai-tro-chu-luc-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc-1

Hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước đạt kết quả tốt, bảo toàn phát triển vốn và tài sản nhà nước giao, đầu tư có hiệu quả, đóng góp quan trọng vào quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Triển khai nhiệm vụ thoái vốn giai đoạn 2011-2015 tại 286 doanh nghiệp thu được 5.216 tỷ đồng, thặng dư 2.952 tỷ đồng (gấp 2,3 lần so với giá vốn).

Hoạt động bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ giữ vững và mở rộng thị trường, kinh doanh dịch vụ có hiệu quả. Tăng trưởng vốn so với năm 2010 tăng14%, tài sản tăng 6,2%. Doanh thu bình quân tăng 23%, lợi nhuận bình quân tăng 23%. Bảo hiểm tiền gửi đã thực hiện đúng các quy định của Luật Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, tăng trưởng doanh thu, đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích của các tổ chức và cá nhân gửi tiền.

Một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia tiêu biểu đã được các doanh nghiệp trong Khối thực hiện như dự án Thủy điện Sơn La (2.400 MW) giá trị hơn 66.000 tỷ đồng; Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất 36.000 tỷ đồng; Công trình Nhà máy lọc dầu số 3 trị giá 140.000 tỷ đồng. Tự chế tạo, thi công và đưa vào vận hành thành công sản phẩm Giàn Tam Đảo 03 – giàn khoan tự nâng đầu tiên của Việt Nam; Dự án Biển Đông I, dự án khai thác mỏ Hải Sư Trắng, Hải Sư Đen; dự án trồng cây cao su tại khu vực Tây Bắc; các công trình truyền tải điện xuyên biển cung cấp điện cho đảo Cô Tô, đảo Phú Quốc, Lý Sơn…

Các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đã thực hiện 2.075 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng giá trị đăng ký hơn 1,4 triệu tỷ đồng, đã giải ngân được trên 658.000 tỷ đồng, tương đương 33 tỷ USD. Tiêu biểu là dự án khai thác và chế biến muối mỏ tại Lào trị giá 898 tỷ đồng; 39 dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ở Nga, Venezuela, dự án trồng cây cao su tại Lào và Campuchia…

Đảng bộ khối doanh nghiệp Trung ương gồm 35 đảng bộ trực thuộc (32 đảng bộ cấp trên cơ sở, 3 đảng bộ cơ sở), 1.036 tổ chức cơ sở đảng, 5.561 chi bộ, với hơn 80.000 đảng viên. Hàng năm, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Đảng bộ khối đóng góp một phần ba tổng thu ngân sách quốc gia, đảm bảo việc làm và đời sống ổn định cho trên 1,3 triệu người lao động.

Minh Trí

0913.756.339