Èo uột thị trường trái cây đóng hộp

Cách đây gần chục năm, thị trường xuất hiện khá nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất trái cây đóng hộp. Tuy nhiên, tới nay mô hình được cho là “phao cứu sinh” cho trái cây trong nước này dường như vẫn chưa có sự đột phá. Thị trường nội địa thì bỏ ngỏ, xuất khẩu lại thiếu đa dạng về sản phẩm và tăng trưởng chậm. Một số đơn vị sau một thời gian kinh doanh đã bỏ cuộc giữa chừng.

Giám đốc một công ty nông sản tại quận 12, TP HCM cho biết, mặc dù có 10 năm hoạt động trong ngành, trải qua nhiều khó khăn nhưng đến năm 2010 công ty phải đóng cửa vì sức tiêu thụ trên thị trường kém.

Vị này cho hay, nguyên nhân khiến sản phẩm đóng hộp gặp khó là do nguồn nguyên liệu trong nước không ổn định, chất lượng thấp, nhiều sản phẩm không đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu. Dây chuyền máy móc chủ yếu nhập từ Trung Quốc rất nhanh xuống cấp nên đầu ra sản phẩm phải chịu sự chi phối khắt khe từ thị trường. “Mỗi năm chúng tôi xuất sang Ukraine, Nga, Brazil, Mỹ… 100 container 20 feet trái cây đóng hộp (một feet 18-20 tấn), tuy nhiên, lợi nhuận không cao. Sản phẩm của Việt Nam thiếu đa dạng nên ít được thị trường ngoại đón nhận. Dù cố gắng nhiều, nhưng công ty buộc phải ngưng vì lãi giảm mạnh”, giám đốc công ty trên nói.

Là đơn vị dẫn đầu trong việc xuất khẩu sản phẩm trái cây sang thị trường nước ngoài, nhưng doanh số cũng như lợi nhuận của Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) năm qua giảm mạnh.

Theo đó, 2014, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty đạt 257 tỷ đồng, giảm 2% so với năm ngoái. Đáng chú ý là lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 12,3 tỷ đồng, giảm 36,9% so với cùng kỳ 2013. Công ty này cho biết, do thị trường gặp nhiều khó khăn, biến động của tỷ giá USD và EUR là một trong những yếu tố khiến lãi giảm.

Cũng thừa nhận việc kinh doanh trái cây đóng hộp còn nhiều khó khăn, ông Lê Văn Ánh, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu rau quả Hà Nội cho hay, trước đây công ty có bán tại thị trường trong nước nhưng gần đây rất hạn chế, chủ yếu là xuất khẩu sang Nga và EU. “Dẫu vậy, những năm gần đây chi phí sản xuất tăng cao, sức tiêu thụ yếu, đồng tiền Nga và châu Âu biến động khiến công ty gặp nhiều khó khăn. Hiện chúng tôi vẫn đang cố gắng duy trì”, ông Ánh nói.

Ông cũng cho biết thêm, rất mong muốn phát triển thị trường trong nước, tạo đầu ra cho người nông dân. Tuy nhiên, thói quen tiêu dùng của người Việt khó thay đổi, đa phần vẫn thích ăn trái cây tươi hơn chế biến. Ngoài ra, nếu tính toán chi phí vận chuyển và khấu hao cho các nhà bán lẻ thì việc đưa trái cây đóng hộp vào thị trường nội địa không hề dễ dàng và rất dễ bị chôn vốn. Do vậy, loại này khó cạnh tranh ở thị trường nội địa. 

Tại TP HCM, tới nay đã có khoảng 2-3 doanh nghiệp ngưng sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này.

tc-1227-1429006443.jpg

Thị trường trái cây đóng hộp còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: MH.

Bên cạnh kênh xuất khẩu đang gặp khó thì tại thị trường trong nước sản phẩm này hầu như không được chào đón.

Khảo sát của VnExpress.net cho thấy, sản phẩm này chỉ xuất hiện lẻ tẻ ở vài đại lý và siêu thị.

Tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Big C, Lotte… trái cây đóng hộp chủ yếu chỉ là vải, nhãn, dứa với giá 40.000-50.000 đồng một hộp 500gr. Một số loại khác như bưởi, chà và, đu đủ thì được đóng thành vỉ và thời hạn sử dụng tối đa cũng chỉ 2-3 ngày. Do vậy, sức tiêu thụ những sản phẩm này chỉ bằng một phần mười sản phẩm trái cây tươi thông thường.

Đại diện các hệ thống siêu thị cho biết, trái cây tươi bán theo kg vẫn luôn là mặt hàng chủ lực. Nếu một ngày trái cây thông thường bán số lượng lên tới hàng tạ và tấn thì trái cây đóng hộp có khi cả nửa tháng không bán được hộp nào. Nếu có cũng chỉ là du khách nước ngoài mua. Cho nên, sản phẩm này được xếp ở những vị trí thiếu bắt mắt và dần trôi vào quên lãng khi người tiêu dùng không hề biết tới.

Tại đại lý bán các loại thức uống đóng chai, đóng hộp ở quận 11 (TP HCM), chủ cửa hàng nơi đây cho hay, cách đây 2 năm có bán vải, dứa và một số loại trái cây đóng hộp Thái Lan nhưng sức tiêu thụ thấp, trong khi đó giá cả loại này lại cao nên hầu như không có khách để ý. Chính vì thế, chị cũng ngưng bán sau đó vài tháng.

Đánh giá chung về thị trường, TS Võ Mai, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Trái cây Việt Nam cho hay, hiện nay thị trường trái cây đóng hộp còn manh mún, mặc dù Việt Nam là nước có lợi thế về khí hậu, đất đai, trái cây được thu hoạch quanh năm.

“Khó phát triển trái cây đóng hộp tại nội địa là điều hiển nhiên vì trong nước người tiêu dùng ưu tiên sản phẩm tươi hơn, nhưng đáng trách là khâu xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa cập nhập công nghệ, máy móc thì lạc hậu nên tới nay mới chỉ xuất khẩu được 2-3 loại trái cây, số nhiều cũng vẫn chỉ là dứa (khóm) nên lợi nhuận đạt được không cao”, bà Mai nói.

Bà cũng cho hay, tại các quốc gia ở châu Âu, Nga, Hàn Quốc, Triều Tiên có mùa Đông kéo dài nên nhu cầu về trái cây đóng hộp rất cao, trong khi sản xuất nội địa không đủ. Do đó, đây là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp chế biến của Việt Nam. Tuy nhiên, để làm được điều này và gia tăng thị phần thì các doanh nghiệp cần có công nghệ chế biến hiện đại, phát triển đa dạng sản phẩm từ trái cây với nhiều chủng loại. Ngoài ra, cần phát triển thêm các loại mứt, bánh kẹo từ trái cây. Có như vậy, sản phẩm vừa được thị trường trong nước đón nhận, lại hấp dẫn các quốc gia khác trên thế giới.

“Bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, Nhà nước cũng cần có chính sách lôi kéo các công ty nội đầu tư. Một khi quy mô đầu tư lớn, số lượng doanh nghiệp tham gia nhiều thì tự khắc sản phẩm sẽ có giá cạnh tranh và tiêu thụ dễ dàng hơn. Còn hiện nay, giá các sản phẩm này còn cao gấp nhiều lần so với trái cây tươi thông thường thì khó mà phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng Việt”, bà Mai cho hay.

Hồng Châu

0913.756.339