Dịch vụ xét nghiệm trực tuyến thách thức bệnh viện truyền thống

Trước đó, họ đã thực hiện dịch vụ này cho nhiều hãng Internet cho phép khách đặt lịch xét nghiệm mà không cần bác sĩ. Dịch vụ xét nghiệm tại nhà và lấy kết quả nhanh đang là mảng tăng trưởng nhanh của thị trường chăm sóc y tế.

Các doanh nghiệp như WellnessFX và Direct Laboratory Services đáp ứng nhu cầu của các bệnh nhân muốn có kết quả riêng tư hoặc muốn tự quản lý sức khỏe của mình mà không cần đến bác sĩ truyền thống. Trong khi đó, LabCorp lại hướng đến đối tượng muốn theo dõi tác động của các bài tập và thói quen sinh hoạt lên cơ thể, hoặc để biết về các bệnh tật tiềm ẩn.

“Chúng tôi muốn lấy lại lĩnh vực này cho riêng mình. Đây là cơ hội tăng trưởng cho chúng tôi. Khách hàng ngày càng có nhu cầu lớn, và chúng tôi cũng đã thực hiện việc này rồi. Nguồn lực của chúng tôi đang bị tận dụng mà không có lợi ích nào về mặt thương hiệu”, CEO LabCorp – David King cho biết.

xet-nghiem-5694-1429521753.jpg

Người Mỹ sẽ được chủ động hơn khi xét nghiệm máu trong thời gian tới. Ảnh: Bloomberg

LabCorp cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt khi người tiêu dùng ngày càng được mời chào những dịch vụ xét nghiệm mà không cần đến trung tâm dịch vụ. Startup Theranos thành lập năm 2003. Công ty này đã phát triển một gói xét nghiệm tại một số hiệu thuốc của Walgreens để có thể cung cấp hàng loạt kết quả, từ cholesterol đến HIV chỉ với vài giọt máu.

Dịch vụ làm việc trực tiếp với khách hàng của LabCorp sẽ được thực hiện online. Họ cũng đang lên kế hoạch hợp tác với một chuỗi hiệu thuốc. Tuy nhiên, công ty không nói rõ sẽ đưa ra bao nhiêu dịch vụ. Tại một số bang, luật pháp vẫn yêu cầu khách hàng có đơn của bác sĩ mới được xét nghiệm.

Nhu cầu thông tin sức khỏe của khách hàng đang tăng, khi các thiết bị như FitBit và Apple Watch cũng đưa ra nhiều cách để đo sức khỏe người dùng. “Chúng ta đang tiến vào thời kỳ có rất nhiều bệnh nhân gặp vấn đề về sức khỏe. Họ lo ngại khi mình không được thông báo chính xác về các xét nghiệm đang làm”, Steven Lamm – một lãnh đạo tại Trung tâm Y tế Langone thuộc Đại học New York cho biết

Erena DiGonis – một nhân viên tư vấn sức khỏe tại New York dã quyết định đặt xét nghiệm online sau khi bác sĩ cô gặp không đồng ý làm các xét nghiệm như cô yêu cầu. “Nó khiến tôi làm chủ được sức khỏe của mình vì biết điều gì đang diễn ra. Cả tôi và khách hàng tôi tư vấn đều có thể chủ động được dịch vụ cần làm. Ví dụ, nếu bạn muốn đi đo lượng cholesterol thêm một lần mỗi năm để xem liệu chế độ ăn có tác dụng hay không, bạn sẽ có dịch vụ như ý”, cô nói.

Dù vậy, rất nhiều dịch vụ không hề rẻ. WellnessFX lấy 998 USD cho gói kiểm tra toàn diện nhất. DirectLabs lại có các loại xét nghiệm thường gặp hơn, như gói 29 USD với hoạt động trao đổi chất hay 49 USD cho phương pháp PSA (đo mức kháng nguyên đặc hiệu với tuyến tiền liệt), được quảng cáo dùng trong phát hiện ung thư.

Các hãng xét nghiệm như LabCorp và Quest Diagnostics đang tìm cách có thêm doanh thu khi các khoản trả từ hãng bảo hiểm và chương trình Medicare của Chính phủ đang ngày càng ít đi. Cổ phiếu LabCorp đã tăng 23% trong năm qua, nhờ thỏa thuận mua lại hãng sản xuất thuốc Covance năm ngoái với 6,1 tỷ USD, nhằm mở rộng ra ngoài lĩnh vực xét nghiệm máu.

Năm 2002, Quest Diagnostics cũng bắt đầu mảng kinh doanh trực tiếp với người tiêu dùng, khi áp dụng dịch vụ xét nghiệm máu tại các cửa hàng của chuỗi hiệu thuốc CVS ở Florida và Ohio. Tuy nhiên, kế hoạch này đã thất bại năm 2006.

“Khi bạn mắc những bệnh phức tạp như về tuyến giáp, ung thư hay các bệnh truyền nhiễm, tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm bệnh nhân nên hiểu và để ý hơn đến sức khỏe của mình. Chúng tôi muốn đảm bảo mình sẽ làm đúng đắn và có trách nhiệm”, King cho biết.

Hà Thu (theo Bloomberg)

0913.756.339