Đại biểu Quốc hội yêu cầu công khai chi tiêu ngân sách

Vấn đề công khai minh bạch thu chi công là nội dung được nhiều đại biểu đánh giá cao khi thảo luận về dự luật Ngân sách Nhà nước ngày 2/6, trong bối cảnh Chính phủ đang muốn Quốc hội phê duyệt khoản lạm chi hơn 41.000 tỷ đồng của năm 2013. 

Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho rằng dự thảo luật kỳ này cơ bản đã được tiếp thu chỉnh sửa khá nhiều và ông thấy yên tâm hơn so với lần đầu tiên trình ra Quốc hội ở kỳ họp cuối năm ngoái, vì tính công khai, minh bạch đã được quy định rõ.

Hiện nay, dự toán ngân sách do Quốc hội duyệt hằng năm đều được công khai. Nhưng thực tế thu chi thế nào, trong tài liệu quyết toán ngân sách Chính phủ trình Quốc hội lại bị đóng dấu mật. 

“Kỳ này, khi nhận báo cáo quyết toán ngân sách năm 2013, các đại biểu Quốc hội đã không thấy đóng dấu mật như trước. Chúng tôi thấy đó là một sự công khai, minh bạch và dân chủ hơn. Trước đây, cầm báo cáo ngân sách mà có chữ “mật” thì rất ngại, nhất là đem về địa phương rất lo và trong lòng luôn thắc thỏm câu hỏi: Như thế này thì Quốc hội công khai ở chỗ nào, dân chủ ở chỗ nào, mọi người có được biết cái này không?”, ông nói.

Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – Thân Đức Nam cũng đánh giá cao việc dự thảo luật bổ sung quy định các cấp ngân sách, đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm công khai tình hình thực hiện dự toán ngân sách, bổ sung quyết toán khi công khai dự toán, quyết toán về tình hình thực hiện các dự toán ngân sách.

DSC-3300-7990-1433239192.jpg

Đại biểu Thân Đức Nam phát biể tại hội trường ngày 2/6 Ảnh: Na.gov.vn

“Ngân sách các cấp cần phải kèm theo báo cáo thuyết minh công khai kết quả thực hiện kết luận của Kiểm toán nhà nước, công khai các thủ tục, giám sát việc thực hiện của cộng đồng”, ông Nam nêu quan điểm đồng thời đề nghị phải có chế tài trong luật về nội dung này.

Vẫn theo đại biểu đoàn Đà Nẵng, do đặc thù của ngân sách vẫn là sự lồng ghép giữa trung ương và địa phương nên cần minh bạch hơn về quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương.

“Tôi đề nghị tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi ngân sách được phân quyền. Bởi vì tính chất lồng ghép của hệ thống ngân sách mà nhiều chi, tiêu, thu, chi của cấp dưới do cấp trên ấn định”, ông nói. Điều này, theo ông, đã không khuyến khích cấp dưới cân đối thu, chi, lập dự toán tích cực mà thường xuyên có xu hướng lập dự toán thấp, dự toán chi cao để được nhận hỗ trợ nhiều hơn.

Đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) cũng dẫn thực tế trong thời gian qua có nhiều bộ, ngành quản lý, nhiều cấp ngân sách thực hiện, chưa phân định rõ phạm vi, trách nhiệm của từng cấp ngân sách dẫn đến việc trùng lắp, chồng chéo, hiệu quả không như mong muốn. “Đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình giảm nghèo”, ông ví dụ.

Đại biểu Bùi Đức Thụ ghi nhận những tiến bộ các số liệu về thu, chi đã bao quát và phản ánh đúng thực trạng bội chi cũng như quy trình lập ngân sách ngay từ khâu thảo luận cũng đã được công khai, minh bạch hơn. Tuy nhiên, ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận xét dự thảo lần này tồn tại một số hạn chế, nhất là khắc phục việc chấp hành kỷ luật chi tiêu công.

“Trong những năm qua, khi trình quyết toán ngân sách thì chi thường vượt lớn. Như năm 2013 vượt hơn 110.000 tỷ. Vấn đề là luật sửa đổi lần này có ngăn chặn được tình trạng ấy không? Tôi cho rằng chưa thể khắc phục hiệu quả tình trạng đó”, ông nói.

Do vậy, theo ông Thụ, để chấn chỉnh kỷ luật ngân sách thì một là phải quy định về trần được phép sử dụng nguồn tăng thêm ngoài dự toán chi được Quốc hội quy định. Bên cạnh đó cần quy định thể chế hóa trách nhiệm của người đứng đầu của các tổ chức, cá nhân quản lý, điều hành ngân sách thì cần phải chuyển từ nghị quyết Quốc hội về dự toán ngân sách, phân bổ ngân sách hàng năm sang Luật ngân sách thường niên. “Chỉ có trong chừng mực đó kỷ luật tài chính mới được tăng cường”, ông khẳng định.

Theo lịch trình, dự luật Ngân sách Nhà nước sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua một ngày trước khi bế mạc kỳ họp lần này.

Chí Hiếu

0913.756.339