Coteccons kỳ vọng doanh thu 9.200 tỷ khi địa ốc khởi sắc

Ngày 14/4, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2015, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Cotec – Coteccons (Mã CK: CTD), Nguyễn Bá Dương tuyên bố doanh nghiệp tự tin hoàn thành kế hoạch doanh thu 9.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng. Cổ tức năm 2015 dự kiến khoảng 30% mệnh giá và trả bằng tiền mặt.

Ông Dương giải thích, năm 2015 Coteccons đã có trong tay 50 hợp đồng lớn (bao gồm dự án ngắn hạn và dài hạn), trung bình mỗi năm bàn giao 25-30 dự án nên chắc chắn cán mốc kế hoạch doanh thu đề ra. Doanh số tăng, theo ông Dương, do thị trường bất động sản tốt lên nhưng cũng phải kể đến uy tín và các gói dịch vụ chất lượng của nhà thầu đã tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Năm 2014, CTD đạt tổng doanh thu 7.633 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 327,4 tỷ đồng. Công ty dự kiến chia cổ tức năm 2014 bằng tiền mặt, tỷ lệ 50% mệnh giá (đã chia 10% nên 40% còn lại sẽ chia tiếp khi được cổ đông thông qua). Doanh nghiệp sẽ trích lập 40% lợi nhuận sau thuế, tương đương khoảng 160 tỷ đồng để đầu tư thiết bị mới phục vụ cho hoạt động thi công. Ông Dương cho hay, nhu cầu vốn đầu tư thiết bị năm 2015 của CTD khoảng 600 tỷ đồng để phục vụ các dự án doanh nghiệp làm tổng thầu.

a-tb-Coteccons-ky-vong-doan-3651-1429000

Một dự án Coteccons làm tổng thầu tại khu Đông TP HCM.

Để cân bằng quyền lợi của cổ đông và đội ngũ cán bộ công nhân viên, CTD trình ĐHCĐ phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động. Tổng số nhân sự của Coteccons hiện nay là 642 người, trong đó độ tuổi 23-40 chiếm 90% tổng số lao động toàn công ty. Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp phát hành ESOP kể từ khi niêm yết.

Chủ tịch Coteccons chia sẻ, chiến lược phát triển trong 5 năm tới (2015-2020) là mở rộng quy mô hoạt động trong nước, đặc biệt chú trọng phát triển gói dịch vụ vừa thiết kế vừa thi công từ A đến Z và vươn ra nước ngoài. CTD ưu tiên có mặt tại Trung Quốc, Lào và những nước có tiềm năng trong khu vực cũng như quốc tế. Năm 2014 công ty đã thu được doanh số khả quan đến từ nhóm các nhà đầu tư Trung Quốc, Hong Kong. 

Ông Dương phân tích, thị trường bất động sản Việt Nam năm 2014 – 2015 sôi động ở phân khúc trung cấp trở lên, tất cả những dự án nhà ở công ty đang xây dựng đều thuộc phân khúc này. Đây là lợi thế không hề nhỏ.

Coteccons đang có tỷ trọng ngành nghề như sau: 30% xây dựng nhà máy, dự án công nghiệp; 40% xây dựng các dự án nhà ở; 30% là các công trình khách sạn, văn phòng, bán lẻ. Ông Dương đánh giá hấp dẫn nhất là xây nhà xưởng công nghiệp vì thu hồi vốn nhanh, tiền bạc sòng phẳng nhất. Kế đến là thi công khách sạn, các nhà đầu tư trong lĩnh vực này thuộc diện có tiền. Riêng đối với phân khúc nhà ở đòi hỏi phải xây dựng làm sao để chủ đầu tư bán được hàng và phụ thuộc các yếu tố: giá cả hợp lý, thiết kế đẹp, vị trí tốt. Nếu doanh nghiệp không bán được nhà thì nhà thầu cũng khó lấy được tiền.

Khi bị chất vấn về rủi ro khi xây dựng các dự án nhà ở quy mô lớn vì có thể bị chôn nhiều vốn trong thời gian dài, CEO Coteccons tiết lộ, doanh nghiệp đang áp dụng mô hình thi công lấy tiền trước. Xây đến đâu lấy tiền đến đấy nên không lo rủi ro. “Chúng tôi không đi vay, thậm chí còn gửi tiền ngân hàng, lại có thương hiệu uy tín, có thể chủ động thu tiền trước nên không ngại vấn đề này”, ông nói.

Vũ Lê

0913.756.339