Công ty Nhật Bản tích cực xuất ngoại làm M&A

Đây là khởi đầu mạnh nhất từ trước đến nay tại quốc gia này, kể từ năm 2006. Và xu hướng này sẽ còn tiếp tục.

Sau nhiều năm tích trữ với núi tiền đã lên tới kỷ lục 233.000 tỷ yen (2.000 tỷ USD) vào cuối tháng 9 năm ngoái, các công ty Nhật đang tìm cách chuyển số tiền này thành tăng trưởng bằng cách đầu tư sang các thị trường nước ngoài có triển vọng tốt. Dù đồng yen giảm 14% so với USD năm ngoái khiến việc thâu tóm trở nên đắt đỏ, các nhà kinh tế học dự đoán tiền tệ Nhật Bản sẽ còn yếu đi trong chiến dịch chống giảm phát của Thủ tướng Shinzo Abe. Việc này đã thôi thúc các công ty nhanh chóng chi tiêu.

japan-1-3010-1424837492.jpg

Các công ty Nhật đã chi gần 30 tỷ USD M&A trong năm nay. Ảnh: WSJ

Hãng sản xuất thuốc lá lớn nhất châu Á – Japan Tobacco vừa tuyên bố 2015 sẽ là “năm đầu tư”. Trong khi đó, hãng sản xuất máy móc – Mitsubishi Heavy Industries và hãng đồ uống Kirin đang cân nhắc tăng trưởng thông qua thâu tóm nước ngoài trong năm nay.

“Tâm lý bị thúc giục đã khiến các công ty Nhật Bản tăng cường mua lại. Chính sách nới lỏng tiền tệ kỷ lục đang khiến số tiền này ngày một mất giá. Vì thế, khi bạn có trong tay cả tấn tiền, nhà đầu tư sẽ gây sức ép buộc bạn đầu tư vào các công ty khác để tạo thêm dòng tiền cho tăng trưởng”, Makoto Shiono – Giám đốc hãng tư vấn Industrial Growth Platform cho biết.

Tính trung bình, các công ty Nhật Bản đã định giá mục tiêu ở 23 lần lợi nhuận trước thuế và khấu hao. Trong khi đó, cả thế giới chỉ là 9,4 lần.

Hoạt động M&A đang diễn ra rất mạnh, trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Chỉ riêng tuần này, Hitachi đã đồng ý mua hãng sản xuất tàu điện ngầm không người lái Finmeccanica (Italy) khi định giá công ty này 2,2 tỷ USD. Hãng hóa chất Asahi Kasei cũng cho biết sẽ mua Polypore International (Mỹ) để mở rộng mảng sản xuất pin.

Đầu tháng này, Japan Post đã chào 5,1 tỷ USD cho hãng vận tải Toll (Australia). Canon cũng đề nghị mua Axis Communications (Thụy Điển) với giá 2,8 tỷ USD để mở rộng sang mảng camera giám sát. Còn tập đoàn 157 tuổi – Itochu cũng đồng ý chi 5 tỷ USD cho số cổ phần tại Citic (Trung Quốc).

Sự kết hợp giữa lượng tiền mặt lớn, chi phí đi vay rẻ và dân số già tại Nhật Bản đã khiến các công ty tăng cường đầu tư ra nước ngoài, Shintaro Okuno tại Bain & Co nhận xét. Các nhà băng tại Nhật Bản cũng rất sẵn sàng cho vay, theo tuyên bố của Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Nhật Bản – Nobuyuki Hirano cuối tuần trước.

Hãng đồ uống lớn nhì Nhật Bản về giá trị thị trường – Kirin đang tìm kiếm cơ hội mua lại tại Đông Nam Á và Trung Quốc. Đối thủ lớn nhất của hãng – Asahi cũng đang cân nhắc kế hoạch tương tự với mục tiêu doanh số 100 tỷ yen tại riêng khu vực này.

Toshiyuki Mitsuzawa – trưởng bộ phận M&A tại Frontier Management dự đoán: “Các hãng sản xuất bánh kẹo, thực phẩm, đồ uống sẽ rót thêm tiền vào Mỹ năm nay. Do họ đang bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dân số già tại thị trường trong nước”, Matsuzawa cho biết.

Năm nay, giá trị M&A của các công ty Nhật được dự đoán vượt kỷ lục 103,8 tỷ USD năm 2012. Những năm gần đây, rất nhiều doanh nghiệp đã tăng lợi nhuận bằng cách giảm chi phí thay vì tăng doanh thu, Okuno cho biết. “Việc này không bền vững. Vì vậy, giờ họ phải thực sự tìm cách khách để đẩy tăng trưởng lên. Và M&A là điều dễ hiểu khi họ đang có cả tấn tiền trong tay”, ông nói.

Hà Thu (theo Bloomberg)

0913.756.339