Dự án Khu nhà ở cán bộ Quốc hội cấp Thứ trưởng và tương đương thuộc tiểu khu TT9-TT10, Khu đô thị Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) được dư luận chú ý trong thời gian gần đây bởi đối tượng khách hàng thụ hưởng cũng như việc hầu hết biệt thự đã xong phần thô nhiều năm nay, song không được hoàn thiện và chưa có người ở.
Lãnh đạo của Văn phòng Quốc hội cho biết đây là dự án góp vốn thông thường chứ không phải theo dạng nhà công vụ. Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Thắng- Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà 7, đơn vị làm chủ đầu tư dự án, cũng vừa có cuộc trao đổi với VnExpress để làm rõ một số thông tin liên quan đến dự án này.
– Dự án Khu nhà ở cán bộ Quốc hội cấp Thứ trưởng và tương đương do Sông Đà 7 thực hiện gây chú ý thời gian qua khi hầu hết căn hộ chưa được hoàn thiện cũng như chưa có người ở. Hiện trạng dự án hiện nay như thế nào, thưa ông?
– Dự án được chúng tôi bắt đầu triển khai từ cuối 2010, được phê duyệt dưới dạng bàn giao thô. Đến nay, chúng tôi đã bàn giao nhà hết cho những khách hàng có trong danh sách mua căn hộ từ năm 2014. Hiện chỉ còn 2 căn chưa bán vì chúng tôi chưa nhận được danh sách cán bộ được quyền mua của Cục Quản trị Văn phòng Quốc hội để ký kết hợp đồng. Các hạng mục thuộc phần trách nhiệm của Công ty Đầu tư Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà 7 cũng đều đã hoàn tất.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, hiện chủ đầu tư đã hoàn tất trách nhiệm của mình tại dự án Khu nhà ở cán bộ Quốc hội cấp Thứ trưởng và tương đương tại Khu đô thị Xuân Phương. |
– Nhiều hạng mục đã được hoàn tất như vậy thì tại sao đa số các căn hộ trong dự án vẫn chưa có người đến ở?
– Tôi cũng được biết hiện mới hơn 10 hộ trên tổng số 227 căn được khách hàng dọn đến ở, còn lại đa số vẫn chưa đưa vào sử dụng. Dự án này nằm trong tổng thể khu đô thị mới Xuân Phương rộng hàng trăm ha. Phần hạ tầng của dự án ngay từ khi triển khai, chúng tôi đã phải ký thỏa thuận kết nối với khu lân cận về môi trường, điện, nước…
Dự án Khu nhà ở cán bộ Quốc hội cấp Thứ trưởng và tương đương có 227 căn, trong đó các căn liền kề rộng 90–113m2, biệt thự 140–203m2. Thời điểm thị trường bất động sản sốt giá đầu năm 2011, giá bán tại đây dao động trong khoảng 75-85 triệu đồng một m2, tương đương 7-17 tỷ đồng mỗi căn. Hiện trên thị trường xuất hiện một số suất rao bán với giá từ 45-50 triệu đồng đối với căn hộ đã xây thô, bao phí sang tên. Đại diện sàn bất động sản đang rao bán căn hộ cho biết, đây là các suất ngoại giao hoặc khách hàng đã mua nhưng không có nhu cầu sử dụng. |
Tuy nhiên, các phần hạ tầng kết nối với bên ngoài nêu trên do đơn vị khác thực hiện, không thuộc phần nghĩa vụ của chúng tôi. Chúng tôi chỉ có nghĩa vụ triển khai phần hạ tầng nội bộ trong dự án như đường thoát nước thải, nước mưa, cây xanh, đèn chiếu sáng, trạm biến áp… Sau khi đã hoàn thành toàn bộ phần hạ tầng đó, chúng tôi đã bàn giao cho địa phương quản lý.
Hiện nay, hạ tầng của cả khu đô thị vẫn chưa được đồng bộ do nhiều dự án bên cạnh chưa triển khai. Vì vậy, nếu người dân về ở cũng khó khăn, phải chờ các dự án lân cận được triển khai thì mới có hạ tầng đồng bộ và thuận tiện cho sinh hoạt. Một lý do nữa là không phải người mua nào sau khi nhận một căn nhà như vậy cũng có ngay tiền để hoàn thiện. Đó là khó khăn riêng của mỗi khách hàng.
– Việc kết nối với hạ tầng bên ngoài như ông nói không thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư. Vậy thực tế Sông Đà 7 chịu những trách nhiệm gì?
– Đến nay, chủ đầu tư chỉ còn trách nhiệm bảo hành sản phẩm theo quy định của luật xây dựng. Tùy theo hạng mục mà thời gian bảo hành khác nhau, có những hạng mục thì mỗi năm phải bảo hành một lần, có hạng mục 2 năm mỗi lần. Còn trách nhiệm quản lý thuộc về cơ quan chức năng ở địa phương, khách hàng đến ở thì phải tự bảo quản tài sản của mình, chúng tôi không còn trách nhiệm trông coi đối với các căn hộ trong dự án nữa.
– Triển khai một dự án dành cho các cấp cán bộ như vậy, ưu đãi mà doanh nghiệp được hưởng là gì?
– Theo chủ trương chấp thuận đầu tư, ngoài việc dành 70% quỹ sàn nhà ở dự án này cải thiện điều kiện ở cho cán bộ cấp Thứ trưởng và tương đương, chủ đầu tư được kinh doanh 30% quỹ nhà còn lại, sau khi đã đáp ứng đủ nhu cầu cho Văn phòng Quốc hội để hoàn vốn. Các chi phí liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, tiền thuế đất, thu nhập doanh nghiệp… chúng tôi đều thực hiện đúng quy định và nộp đầy đủ như đối với tất cả các dự án thương mại khác, không được miễn bất kỳ khoản nào.
Không ít người đang hiểu lầm đây là dự án nhà công vụ nên được ưu đãi nhiều nhưng thực tế không phải như vậy. Các khoản vốn đầu tư và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước đều do doanh nghiệp và khách hàng mua dự án đóng góp.
Khu đô thị hoang vắng dù đã hoàn thiện phần thô từ lâu. Ảnh: Bá Đô |
– Vậy còn vấn đề giá bán, người mua sẽ phải trả bao nhiêu tiền để sở hữu nhà xây thô tại đây?
– Giá bán ghi trong hợp đồng tạm tính là khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên đây là dự án góp vốn, khách hàng được mua theo suất đầu tư nên phải chờ sau khi quyết toán đầu tư mới có giá chính xác. Thủ tục này chúng tôi mới vẫn đang thực hiện.
Diện tích tổng mặt bằng dự án khoảng 4,5 ha với tổng vốn đầu tư dự án là 411 tỷ đồng. Dự án được triển khai bằng một phần vốn của chủ đầu tư và số tiền đóng góp theo tiến độ của khách hàng. Hiện nay, về cơ bản, chúng tôi đã thu hồi hết vốn. Chỉ còn 2 căn như đã nói ở trên chưa có danh sách cán bộ được suất mua nên chúng tôi vẫn chưa thu hồi được vốn, giá trị vào khoảng 5 tỷ đồng. Do vẫn đọng hơn 5 tỷ đồng ở 2 căn này nên chúng tôi phải trả lãi vay cho ngân hàng, đồng thời vẫn tiếp tục chịu chi phí phải quản lý. Đó cũng khó khăn của công ty.
Trao đổi với VnExpress về nguồn gốc khu nhà nêu trên, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cho biết để cải thiện khó khăn về nhà ở cho một số đối tượng cán bộ, thành phố Hà Nội từng đồng ý cấp đất tại dự án để cơ quan này làm nhà. Sau đó, Văn phòng Quốc hội đã kết hợp với Công ty Sông Đà 7 và ủy quyền cho doanh nghiệp này thực hiện dự án. Sông Đà 7 đứng ra làm thủ tục xây dựng, nộp tiền sử dụng đất… Tất cả được hạch toán vào phần lợi nhuận bán 30% trong tổng số căn. 70% còn lại được giao cho Văn phòng Quốc hội để bán ưu đãi cho cán bộ. Theo vị này, việc thực hiện dự án với Sông Đà 7 đến nay đều suôn sẻ và chủ đầu tư đang tiến hành làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, việc khu nhà liền kề này chưa có người ở chỉ là do điều kiện hạ tầng, nhất là đường vào khu dân cư. Lý giải việc chưa có đường, lãnh đạo này cho hay đây là dự án thành phần 4ha, được tách ra từ một phần đất của dự án BT Xuân Phương do Công ty cổ phần Tasco làm chủ đầu tư. Theo đó, phần hạ tầng ngoài 4ha này sẽ do Tasco xây dựng. Tuy nhiên, dự án theo hình thức BT của Tasco đã bị tạm dừng và sau đó là Hà Nội điều chỉnh quy hoạch nên việc phân lô, bán nền của chủ đầu tư cũng bị thay đổi. Khi đó, việc bán các lô đất của Tasco cũng khó khăn hơn nên doanh nghiệp cho biết chưa có tiền làm đường. “Mới đây, Văn phòng Quốc hội đã có buổi làm việc với thành phố Hà Nội và Tasco. Thành phố cho biết Tasco sẽ có trách nhiệm hoàn thành hạ tầng” vị này nói. |
Ngọc Tuyên – T.Đức