Trên các phương diện dòng tiền, biên lợi nhuận và giá cổ phiếu, Rosneft, Lukoil và Gazprom Neft đều có thành tích tốt hơn Royal Dutch Shell, BP hay Exxon Mobil. “Khi giá dầu giảm, các công ty phương Tây bị thiệt hại nhiều hơn công ty Nga“, Maxim Edelson – Giám đốc cấp cao tại Fitch Ratings Moscow nhận xét.
Nguyên nhân là hệ thống thuế của Nga sẽ tự động điều chỉnh khi giá thấp để hỗ trợ các công ty. Khi đó, “phần lớn thiệt hại sẽ được chuyển sang Chính phủ“.
Một nhà máy lọc dầu của Lukoil tại Novgorod, Nga. Ảnh: Bloomberg |
Ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu đang chật vật thích nghi khi giá xuống đáy 6 năm do dư cung. Cổ phiếu các hãng năng lượng trong chỉ số MSCI All-Country World giảm mạnh nhất trong các nhóm ngành. Nhưng cổ phiếu các công ty Nga lại khởi sắc nhất. Rosneft tăng 2,9% từ đầu năm, Gazprom Neft tăng 0,3%. Trong khi đó, cổ phiếu hạng B của Shell mất 28% và cổ phiếu BP giảm 18%.
50% ngân sách Chính phủ Nga đến từ xuất khẩu dầu khí. Vì thế, giá dầu thô lao dốc hơn 50% trong một năm qua đã đẩy nước này vào cuộc suy thoái đầu tiên từ sau năm 2009. Dù vậy, khi kết hợp với ảnh hưởng từ các lệnh cấm vận quốc tế, việc này lại khiến đồng rouble Nga yếu đi, giúp các công ty dầu có lợi khi nhận thanh toán bằng USD và trả chi phí bằng nội tệ.
Lợi thế về thuế và tiền tệ này cũng có nghĩa Rosneft và Lukoil sẽ có tốc độ sản sinh dòng tiền tự do nhanh gấp đôi Shell và BP, theo số liệu của Barclays. Trong một báo cáo đầu tháng, Goldman Sachs nhận xét các hãng sản xuất dầu mỏ Nga đang kiếm tiền như thế giá dầu vẫn là 100 USD, chứ không phải 50 USD một thùng.
“Chi phí sản xuất tại Nga vẫn thuộc hàng rẻ nhất thế giới”, do họ không phải dùng quá nhiều công nghệ tiên tiến để tăng lượng dầu được chiết xuất như các nơi khác, Philipp Chladek – nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence cho biết.
Rosneft có chi phí rẻ gần nhất ngành công nghiệp này, CEO Igor Sechin cho biết trong một sự kiện tại Trung Quốc tuần trước. Chi phí cho một thùng dầu của công ty này chỉ là 4,2 USD, thấp hơn nhiều so với 27 USD của Exxon Mobil. Quý II năm nay, gần như tất cả các công ty dầu của Nga tham gia cả hoạt động sản xuất và lọc dầu đều có biên lợi nhuận trước thuế cao hơn đối thủ châu Âu, Chladek cho biết.
Tuy vậy, các công ty Nga cũng không hoàn toàn miễn nhiễm khi giá dầu lao dốc. Doanh thu của Rosneft và Lukoil đã giảm 3 quý liên tiếp so với cùng kỳ năm ngoái. Từ nửa cuối năm nay đến cuối năm tới, Rosneft sẽ phải trả 26 tỷ USD nợ, trong khi các lệnh trừng phạt đang khiến họ khó tiếp cận thị trường vốn quốc tế. Khi được hỏi về tương lai giá dầu, Sechin đã từ chối bình luận. “Đừng hỏi tôi, đi mà hỏi thầy bói ý. Giờ đang có quá nhiều thứ không chắc chắn“, ông nói.
Hà Thu (theo Bloomberg)