Bộ trưởng Nga: ‘Chúng tôi không chỉ muốn bán máy bay cho Việt Nam’

– Phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho rằng đã đến lúc 2 nước cần tìm ra cách thức hợp tác kinh tế mới. Ông có thể chia sẻ thêm về ý tưởng này?

– Kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Nga hiện ở mức 3,7 tỷ USD. Chính phủ 2 nước đặt mục tiêu đến năm 2020, con số này phải là 10 tỷ. Như vậy, cái “mới” ở đây chính là những biện pháp để khỏa lấp khoảng cách hơn 6 tỷ USD. Chúng tôi tới Việt Nam với rất nhiều ý tưởng để hiện thực hóa mục tiêu đó.

Đầu tiên là ôtô, vì đây là lĩnh vực chúng tôi rất quan tâm. Người Việt hẳn biết đến những thương hiệu như UAZ hay Kamaz. Phía Nga không chỉ muốn bán xe mà còn muốn tổ chức sản xuất, lắp ráp, bảo hành, bảo dưỡng tại Việt Nam. Ngược lại, công nghiệp nhẹ của Nga còn thiếu kinh nghiệm ở một số ngành. Chúng tôi rất mong muốn doanh nghiệp Việt Nam sang Nga đầu tư, nhất là trong lĩnh vực dệt may, da giầy…

Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn nói thêm về lĩnh vực chế tạo máy bay, nơi mà Nga có nhiều kinh nghiệm. Trong chuyến đi này, chúng tôi cũng chủ ý bay sang với máy bay Sukhoi Superjet 100 để giới thiệu, bàn bạc với các đối tác Việt Nam. Đây là loại máy bay phù hợp với khu vực Đông Nam Á, với các hành trình ngắn, trung bình và thường xuyên đông khách. Hãng chế tạo UAC cũng đang có nhiều khách hàng trong khu vực này.

– Từng gặp phải một số trục trặc sau khi xuất xưởng năm 2012, ông nói sao về mức độ an toàn cũng như hiệu quả khai thác của Superjet 100?

bo-truong-0-5969-1428642467.jpg

Bộ trưởng Công Thương Nga – Denis Manturov trả lời phỏng vấn ngay trên chuyên cơ được thiết kế riêng từ chiếc Superjet 100.

– Tôi có thể khẳng định đây là loại máy bay tốt, được định hướng phát triển để chở khách trên những chặng bay thường xuyên đông khách. Ngay tại Đông Nam Á, UAC đã bán được 2 chiếc (loại phục vụ doanh nhân) và 3 chiếc khác cho Indonesia. Tuy nhiên, khách hàng lớn nhất của chúng tôi là các nước Mỹ Latin khi mua 30 chiếc, trong đó đã nhận 18 chiếc.

Cũng phải nói thêm là Superjet 100 là một dự án quốc tế, với sự tham gia của Nga, Italy, Pháp, Mỹ… Nga đóng góp khoảng 40-45% giá trị sản phẩm, và ở một số mẫu thiết kế riêng cho doanh nhân, chúng tôi có thể nâng tỷ lệ này lên tối đa khoảng 60%.

– Ở Việt Nam, từng có hãng bay là Air Mekong sử dụng dòng máy bay dưới 100 chỗ và không thành công. Các ông có ưu đãi gì về giá, cũng như đảm bảo hiệu quả khai thác chiếc máy bay này?

– Giá cả là câu chuyện của đàm phán, tùy thuộc vào từng trường hợp, từng hợp đồng cụ thể. Còn về phân khúc, loại máy bay Air Mekong từng dùng do Bombardier sản xuất. Họ làm máy bay 40-72 chỗ, còn Superjet 100 có 85-95 chỗ. Tôi cho rằng đây là 2 phân khúc khác nhau, nên khó so sánh hiệu quả. Tuy nhiên, theo nghiên cứu thị trường, trong những năm tới, khu vực Đông Nam Á sẽ cần khoảng 250 máy bay kiểu như Superjet 100. Chúng tôi mong muốn và tự tin có thể giành được khoảng 30% thị phần đó.

– Còn về đào tạo, ông nghĩ sao khi đa số phi hành đoàn tại Việt Nam hiện đều được huấn luyện để vận hành máy bay Boeing, Airbus…?

– Không chỉ ở Việt Nam mà ngay tại Nga cũng vậy. Trừ thời Liên Xô trước đây, hiện nay các hãng cũng bay bằng Boeing, Airbus cả. Chúng tôi cũng phải huấn luyện lại phi công Nga để vận hành Superjet nên rất có kinh nghiệm trong vấn đề này. Hiện các cơ sở đào tạo đã rất thuần thục rồi.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng với công nghiệp hàng không, chúng tôi không chỉ muốn bán máy bay cho Việt Nam hay những khách hàng khác, mà còn rất nhiều dịch vụ kèm theo: huấn luyện, đào tạo, bảo dưỡng… Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch xây dựng tại Việt Nam một trung tâm bảo dưỡng máy bay Superjet 100 cho toàn khu vực Đông Nam Á.

– Tại sao Nga lại chọn Việt Nam để xây dựng trung tâm này, trong khi những khách hàng đầu tiên lại đến từ Thái Lan, Indonesia?

– Như tôi nói là Nga muốn có 30% thị phần của dòng máy bay tương tự Superjet 100 tại Đông Nam Á trong những năm tới và cũng cần một trung tâm bảo dưỡng đặt tại đây. Trong khu vực có nhiều lựa chọn để đặt trung tâm này, song Việt Nam có ưu thế vì 2 nước đã có kinh nghiệm làm trung tâm bảo dưỡng máy bay trực thăng. Các cơ chế phối hợp, điều hành do đó sẽ rất thuận lợi.

– Ngoài hàng không, ông có nói về việc mời doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư công nghiệp nhẹ tại Nga. Đề xuất này cụ thể ra sao?

– Trước mắt, chúng tôi đã giới thiệu 3 địa điểm mà các bạn có thể đầu tư là vùng Viễn Đông, vùng Primorsky (phía đông Nga) và trong tỉnh Moscow. Những địa điểm này đều tốt về giao thông, hạ tầng, xã hội. Lĩnh vực mà Nga mong muốn là dệt may, da giầy… với lao động một phần từ Nga, một phần đến từ Việt Nam. Các cơ sở này có thể được lập ra trong các khu công nghiệp, nơi có sẵn những chính sách thuế, ưu đãi rồi.

– Vậy còn đề xuất thanh toán trực tiếp bằng đồng rouble và đồng Việt Nam. Ông nghĩ sao về tính khả thi khi nhu cầu của doanh nghiệp vẫn chủ yếu là đôla Mỹ hay euro?

– Tôi cho rằng đây là nhiệm vụ 2 Nhà nước đặt ra. Do đó, 2 bên cần có chính sách để hướng dẫn doanh nghiệp, khi đó giá trị đồng nội tệ sẽ được củng cố. Chúng tôi đã thanh toán như vậy với Trung Quốc, Ấn Độ và gần đây là Thái Lan và Indonesia, và không thấy có cản trở đáng kể nào.

Nhật Minh

0913.756.339