Thay vì được tự quyết tỷ lệ chia cổ tức và trình cổ đông thông qua như mọi lần, năm nay, nhiều lãnh đạo cho biết đã nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước về mức chia cổ tức không quá 9%, tùy vào kết quả kinh doanh, trích lập dự phòng rủi ro và tiến độ xử lý nợ xấu. Phó chủ tịch Hội đồng quản trị một ngân hàng niêm yết cho biết, quy định này nhằm bảo đảm các ngân hàng phải trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro, tạo nguồn lực để xử lý nợ xấu.
Trên thực tế, đây không phải năm đầu tiên các ngân hàng không mất quyền tự quyết cổ tức. Từ năm ngoái, trước ngày họp đại hội cổ đông, các đơn vị đã phải xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh sở tại về kế hoạch trả. “Tuy nhiên, năm nay phải xin Ngân hàng Nhà nước TW, điều khoản chặt chẽ hơn nên khả năng bị bác đề xuất hoặc bị cắt tỷ lệ chi trả là rất cao”, tổng giám đốc một nhà băng chia sẻ.
Cổ đông ngân hàng lo năm nay không được chia cổ tức. Ảnh: Thanh Lan. |
Hơn nữa, bản thân Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thể hiện rõ quyết tâm sẽ đưa nợ xấu của toàn ngành về 3% cuối năm 2015. Do đó, việc khống chế chia cổ tức với những đơn vị nợ xấu còn cao, trích lập chưa đầy đủ được cho là biện phạm mạnh mẽ của nhà điều hành.
Thế nhưng, ngay cả những ngân hàng làm ăn có lãi, lợi nhuận tăng trưởng, nợ xấu giảm, tỷ lệ trích lập dự phòng cao cũng chưa chắc được giữ nguyên tỷ lệ trả cổ tức.
Tại Ngân hàng Á Châu (ACB), lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.200 tỷ đồng nên HĐQT dự kiến trả cổ tức 9% bằng tiền mặt. Tuy nhiên, Phó tổng giám đốc Nguyễn Thanh Toại cho biết Ngân hàng Nhà nước chỉ duyệt mức chia 7%. Do đó, HĐQT sẽ trình cổ đông kế hoạch trả 7% bằng tiền mặt và đề xuất dùng 2% còn lại chuyển quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.
Ngân hàng Quân đội (MB) vẫn đề xuất trả cổ tức 12% như đã thống nhất từ đầu năm 2014 với các cổ đông. Năm 2014, MB tăng 5% lãi trước thuế và đã dành hơn 2.000 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, đến nay đơn vị này cho biết vẫn chưa nhận được quyết định cuối cùng của Ngân hàng Nhà nước.
Tương tự, Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) cũng đạt lãi trước thuế hơn 1.000 tỷ đồng năm ngoái, nợ xấu giảm mạnh từ 4% về 2%. Hiện đơn vị này đã trình kế hoạch trả cổ tức 7% bằng tiền mặt nhưng phải chờ ý kiến từ nhà điều hành.
Hiện hai đơn vị đã họp đại hội cổ đông là Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) và Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đều bị giảm tỷ lệ trả cổ tức so với đề xuất trình Ngân hàng Nhà nước. Ban đầu, VIB trình kế hoạch trả cổ tức tỷ lệ 11% nhưng chỉ được duyệt 9%. Tương tự, LienVietPostBank cũng chỉ trả cổ tức 6% thay vì 10% như kế hoạch đã được ĐHCĐ thông qua năm ngoái.
Riêng Eximbank, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt gần 900 tỷ đồng nhưng sau trích lập dự phòng, lãi chỉ còn khoảng 56 tỷ đồng. “Quan điểm của HĐQT là phải đảm bảo an toàn hoạt động, dù phải hy sinh lợi nhuận trước mắt. Năm nay, Eximbank sẽ không chia cổ tức nên việc Ngân hàng Nhà nước có khống chế mức chia hay không cũng không ảnh hưởng”, Tổng giám đốc Phạm Hữu Phú chia sẻ.
Trao đổi với VnExpress, nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết hoàn toàn ủng hộ việc Ngân hàng Nhà nước quyết liệt với chuyện trả cổ tức để thúc ép các nhà băng dành nguồn xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, phó chủ tịch một ngân hàng niêm yết chia sẻ: “Ở góc độ ngân hàng, nếu không được chia cổ tức hay chỉ đơn giản cổ tức thấp hơn tỷ lệ các cổ đông đã thông qua, chúng tôi rất khó ăn nói. Tâm lý cổ đông nào cũng chỉ mong cuối năm được chia cổ tức, ít nhất cũng phải bằng lãi suất tiết kiệm. Với các nhà băng đã niêm yết, áp lực này càng nặng nề”.
Tương tự, ủng hộ Ngân hàng Nhà nước nhưng tổng giám đốc một nhà băng cũng niêm yết trên sàn chứng khoán đề xuất nhà điều hành không nên áp dụng quá cứng nhắc quy định này như một mệnh lệnh hành chính. “Nếu không được trả bằng tiền mặt, có thể cho phép các ngân hàng chuyển bớt sang trả bằng cổ phiếu. Dù sao đây cũng là cách để tăng vốn cấp I, cũng là tăng thêm nguồn lực cho nhà băng”, ông đề xuất.
Cũng có ý kiến cho rằng mệnh lệnh hành chính lần này của nhà điều hành có thể không phù hợp với quy định trong Luật doanh nghiệp về việc cổ tức do Đại hội cổ đông có quyền tự quyết. Nhìn nhận chia cổ tức là quyền của các cổ đông nhưng Tiến sĩ Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Tài chính, Đại học Kinh tế TP HCM cho rằng Ngân hàng Nhà nước vẫn có quyền can thiệp trong một số trường hợp có vấn đề. Nhất là khi nhiều ngân hàng chỉ chăm chăm chia cổ tức mà không trích lập dự phòng nợ xấu, nguy cơ dẫn đến rủi ro cho hệ thống và cho người gửi tiền.
Nếu chiếu theo Luật các tổ chức tín dụng cũng như thông lệ quốc tế, theo ông Chí việc này hoàn toàn được phép nhưng Ngân hàng Nhà nước cần làm rõ trường hợp nào mới cần can thiệp, trường hợp nào không. “Nếu đồng loạt áp dụng cho tất cả dễ dẫn đến tình trạng hồ nghi của thị trường rằng, ngân hàng nào cũng có vấn đề là không ổn”, ông Chí nói.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Luật sư điều hành Hãng luật Giải phóng cho rằng, chưa có quy định nào cấm đoán việc Ngân hàng Nhà nước can thiệp vào chuyện chia cổ tức của các nhà băng, nhất là khi ngân hàng thương mại là tổ chức đặc biệt, do họ chịu trách nhiệm quản lý về mặt nhà nước. Tuy nhiên, theo Luật sư Hưng chỉ nên áp dụng phương án này trong ngắn hạn và có thể xem xét không nên cào bằng mức chia cổ tức vì năng lực của các ngân hàng là khác nhau.
Thanh Lan – Lệ Chi