Nếu trước Tết nhiều trái cây Việt bị rớt giá mạnh thì sau Tết mặt hàng này đã có nhiều chuyển biến tích cực. Khảo sát tại các chợ TP HCM cho thấy, thanh long thay vì 10.000 đồng 3kg thì nay đã tăng thêm 5.000-7.000 đồng một kg. Xoài, mãng cầu xiêm, nhãn, quýt, cam cũng tăng thêm 5.000-10.000 đồng một kg.
Tại nhà vườn, ông Hòa, người trồng thanh long ở huyện Châu Thành (tỉnh Long An) cho biết, từ sau Tết Nguyên đán nông dân phấn khởi vì giá thanh long tăng gần gấp đôi. Nhờ đó, người trồng thanh long cũng có lãi.
“Trước tết nông dân chịu lỗ từ 1.000 đến 2.000 đồng một kg thanh long ruột trắng khi phải bán với giá chỉ 6.000 đồng mỗi kg, thì nay, giá thanh long loại này đã tăng lên 11.000-12.000 đồng một kg. Mỗi kg chúng tôi lời 3.000-4.000 đồng”, ông Hòa nói.
Thanh long đang là mặt hàng được nhiều quốc gia để ý. Ảnh: MH. |
Đối với thanh long ruột đỏ, Chủ nhiệm Hợp tác xã chợ Gạo cũng cho biết, lượng hàng tiêu thụ và giá cả đã cải thiện hơn.
“Nếu trong năm 2015, giá thanh long liên tục bấp bênh, đặc biệt hai quý cuối năm nông dân thua lỗ nhiều thì nay sản phẩm này đang ở mức 20.000-22.000 đồng một kg. Đặc biệt, trong năm 2016 nhiều doanh nghiệp hứa hẹn sẽ thúc đẩy xuất khẩu nhiều hơn sản phẩm này sang các nước như Mỹ, Nhật, Australia… Do vậy, cơ hội sẽ mở ra hơn với người nông dân”, lãnh đạo hợp tác xã này cho biết.
Cũng kỳ vọng mở rộng thị trường, ban giám đốc Hợp tác xã thanh long Tầm Vu (Long An) cho hay, 2016, đơn vị này đặt mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, ký kết thêm hợp đồng tiêu thụ cho xã viên. Giá đầu ra trung bình của sản phẩm thanh long của hợp tác xã dự kiến sẽ ở mức 14.000 đồng một kg.
Bên cạnh thanh long, xoài và nhãn cũng đang là sản phẩm được thị trường nước ngoài chú ý. Ông Nguyễn Thành Nhơn, Chủ nhiệm Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc cho biết, cuối 2015, các nhà vườn xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang) được khá nhiều doanh nghiệp đến tham quan và đặt vấn đề thu mua sản phẩm xuất qua thị trường Nhật Bản và một số nước khác ở châu Á.
“Chúng tôi đã thương thảo một số vấn đề với doanh nghiệp và sản phẩm dự sẽ xuất trong quý II tới. Tuy nhiên, số lượng vẫn chưa thể tiết lộ vì còn chờ quyết định chính thức phía doanh nghiệp. Nếu xuất khẩu trót lọt thì đây sẽ là lô hàng đầu tiên xuất ngoại”, ông Nhơn nói.
Được thị trường ngoài nước đón nhận sớm hơn, năm 2015, nhãn lồng Hưng Yên đã được chào hàng ở thị trường Mỹ. Còn giống nhãn EUDOl, theo Giám đốc Trương Văn Rồi thuộc Hợp tác xã nhãn Châu Thành, Đồng Tháp, 2015 đã xuất khẩu được trên 100 tấn sang Mỹ với giá bán tại vườn là 38.000 đồng một kg. Đầu 2016, đơn vị này xuất khẩu gần 30 tấn nhãn.
Trao đổi với VnExpress, TS Võ Mai – Nguyên chủ tịch Hiệp hội trái cây Việt Nam cho biết, sản phẩm Việt đang được các quốc gia như Australia, Nga và Nhật Bản… chú ý.
“Một số doanh nghiệp tôi quen biết đang có ý định nhập trái cây Việt Nam. Các sản phẩm như bưởi da xanh, xoài, thanh long được các đơn vị nhập khẩu nhắm tới. Vào quý II, Hiệp hội trái cây Việt Nam sẽ có buổi tiếp xúc với đoàn doanh nghiệp Australia để chia sẻ và tìm hướng hợp tác xuất khẩu. Tại đây, các doanh nghiệp này sẽ đi thăm nhà vườn và tìm kiếm nguồn nguyên liệu, chuẩn bị các thủ tục cần thiết để nhập khẩu trong thời gian sớm nhất”, bà Mai cho biết.
Trước đó, quý III/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có buổi gặp song phương với Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Yoichi Miyazawa.
Tại buổi gặp, hai Bộ trưởng đã cùng nhau trao đổi các vấn đề liên quan đến hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Với thương mại hàng nông sản, Việt Nam sẽ sớm mở cửa thị trường cho táo tươi của Nhật Bản. Ngược lại, Nhật Bản cũng sẽ sớm mở cửa thị trường cho xoài tươi của Việt Nam.
Để trái cây Việt đạt được sự hài lòng của các thị trường khó tính, sau Đại hội Đảng lần thứ 12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã lên kế hoạch đẩy mạnh phát triển trái cây bền vững, theo tiêu chí VietGAP, GlobalGAP.
Ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam cho biết, cơ quan này vừa có quyết định thành lập Ban chỉ đạo và các tiểu ban xây dựng một số mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm bền vững. Trong đó, đề án tập trung phát triển 20 sản phẩm nông nghiệp.
Riêng với trái cây, có 5 sản phẩm được chọn tham gia đề án, gồm chuỗi sản phẩm thanh long (Long An), chuỗi sản phẩm chanh không hạt (Hậu Giang), chuỗi sản phẩm bưởi da xanh (Bến Tre), cam (Hòa Bình) và chanh leo (Sơn La).
“Ban đầu chúng tôi sẽ triển khai xuống các hợp tác xã, các đơn vị này sẽ hướng dẫn các hộ cá thể. Mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ nông dân tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng hóa về giống, quy mô, đảm bảo đủ chất lượng, sản lượng. Như vậy, hàng mới có thể cung ứng ra thị trường và xuất khẩu, đời sống của nông dân được nâng cao”, ông Cự nói, đồng thời cho biết, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần vốn cho nông dân thông qua các ngân hàng. Ngoài ra, đề án sẽ kết hợp lồng ghép nhiều chương trình, dự án liên quan tới nông nghiệp để hỗ trợ nông dân, trong đó có sự tham gia và chịu trách nhiệm của địa phương. Các hợp tác xã tham gia đề án sẽ được hỗ trợ xây dựng theo mô hình kiểu mới, phát triển theo chuỗi sản phẩm bền vững, đủ sức tham gia vào thị trường thế giới.
Mới đây, Liên minh hợp tác xã đang thực hiện dự án “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho Thanh long”, do Liên minh châu Âu tài trợ. Theo đó, có 5 hợp tác xã sản xuất thanh long tại Long An và 15 hợp tác xã thanh long tại Bình Thuận sẽ được đào tạo, huấn luyện các kỹ thuật, kỹ năng từ sản xuất cho đến tiếp cận thị trường, hướng tới xuất khẩu vào EU. Sắp tới, sẽ có 5 hợp tác xã tham gia dự án được lựa chọn để sang châu Âu dự triển lãm, giới thiệu sản phẩm và thí điểm xuất khẩu vào thị trường này. Để được lựa chọn, sản phẩm của các đơn vị phải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc EuroGAP.
Thi Hà