Không bán vốn Nhà nước tại Vinamilk, FPT bằng mọi giá

Trao đổi với báo chí ngày 19/10, ông Đặng Quyết Tiến – Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng việc bán vốn Nhà nước tại 10 công ty đang hoạt động hiệu quả như Vinamilk, FPT, Bảo Minh… không vì ngân sách khó khăn mà nhằm cơ cấu danh mục đầu tư của SCIC.

khong-ban-von-nha-nuoc-tai-vinamilk-fpt-bang-moi-gia

Ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính. Ảnh: T.L.

– Quyết định của Chính phủ yêu cầu SCIC thoái vốn nhà nước ở các công ty được xem là “con gà đẻ trứng vàng” cho Nhà nước như Vinamilk, FPT,… khá gây bất ngờ bởi trước đây, có thông tin cho rằng bản thân SCIC đã xin giữ lại vốn tại những đơn vị này. Vậy tại sao lại có quyết định này thưa ông?

– Việc nắm giữ cổ phần những đơn vị hoạt động tốt như Vinamilk, FPT… là thành tích của SCIC, nhưng mục tiêu của Chính phủ thì lại lớn hơn. SCIC là công ty đầu tư và kinh doanh chứ không phải quản lý vốn nhà nước. Họ sẽ thoái tại những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ để đầu tư vào những mảng việc ít đối tác làm như hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng xã hội (trong đó có y tế)…

Còn về thông tin SCIC từng muốn giữ lại Vinamilk hay FPT, nếu có thì đây chỉ là một vài ý kiến trong nội bộ SCIC khi đưa ra bàn luận. Hơn nữa trong kinh doanh, mọi quyết định đều có thể thay đổi. Trước đây khi thị trường khó khăn có thể anh muốn bảo toàn lực lượng, nhưng nay khi mọi thứ đã tốt hơn thì có thể nên bán.

– Vậy tại sao lại đặt vấn đề thoái vốn vào lúc này?

– Theo tôi thời điểm trước đây không thể thuận lợi bằng hiện nay. Doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả nhưng chưa chắc thị trường khi đó đã tốt. Hơn nữa, theo chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, vốn Nhà nước không thể bán bằng mọi giá nên SCIC cũng cần thận trọng. Thời điểm này đưa ra thông tin bán vốn theo tôi là đón đầu bởi thị trường đang khởi sắc.

– Quyết định của Chính phủ nêu rõ SCIC phải thoái vốn tại 10 doanh nghiệp ở “thời điểm phù hợp nhất”. Bản thân lãnh đạo SCIC gần đây cũng cho biết chưa có thời gian cụ thể. Vậy ông có thể cho biết lộ trình cụ thể và đâu là hạn chót phải hoàn tất thoái vốn?

– SCIC cũng là một doanh nghiệp nên họ đặt mục tiêu bảo đảm vốn cao nhất khi thoái. Hơn nữa, là doanh nghiệp có ảnh hưởng nên họ phải lựa chọn thời điểm phù hợp. Không thể công bố ngay ngày mai, kia tôi thoái vốn bởi sẽ ảnh hưởng lập tức đến giá cổ phiếu. Nhà nước là chủ sở hữu của SCIC nhưng vẫn cần tôn trọng quyền của doanh nghiệp trong lựa chọn thời điểm thoái vốn sao cho hiệu quả nhất. Nếu giao rồi mà vẫn không quyết định được thì sẽ có quy chế xử lý.

Trong năm 2015 nếu chưa thể thoái vốn được, SCIC cũng phải công khai. Theo quy định của Nghị định 81/2015/NĐ-CP, các doanh nghiệp phải công khai kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và trung hạn 5 năm.

– Vinamilk, FPT hay Bảo Minh…. đều là những doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn trên thị trường. Bộ Tài chính sẽ tư vấn SCIC lựa chọn thời điểm, cách thức thực hiện thoái vốn như thế nào để không gây ra sự xáo trộn?

– Việc thoái vốn hay cổ phần hóa đều vì mục tiêu cuối cùng là giúp cho doanh nghiệp đó hoạt động tốt hơn sau này. Không có chuyện bán bằng mọi giá, bán xong doanh nghiệp xập xệ và kém hơn, nếu vậy thì kiên quyết không làm.

Trong trường hợp này, như với Vinamilk, dù bán hay thoái vốn cho ai thì doanh nghiệp đó vẫn phải phục vụ tốt hơn cho người dân Việt Nam. Không có chuyện bán rồi bắt tay với nước ngoài thực hiện độc quyền trong ngành sữa.

Thanh Thanh Lan

0913.756.339