Hôm thứ Tư, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết trên một website Chính phủ rằng: “Những ngày gần đây, có rất nhiều bình luận quốc tế bi quan về kinh tế Trung Quốc. Và một số người thậm chí khẳng định Trung Quốc tăng trưởng chậm sẽ ảnh hưởng lên kinh tế toàn cầu. Điều này thật vô lý”. Ông cũng nhấn mạnh tăng trưởng của Trung Quốc vẫn còn trong “ngưỡng hợp lý”.
Và dù Thủ tướng Lý không đề cập đến tên Soros, tờ Xinhua vẫn tỏ ra vui mừng với thông tin này. Họ cho rằng nhà đầu tư lão luyện đã “nhắm mắt” khi nhận xét bi quan về triển vọng của Trung Quốc và các tiền tệ châu Á tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ). Dù đây cũng là nhận định chung của rất nhiều người ưa bán khống khác.
“Tại sao những kẻ đầu cơ lại khẳng định điều trái hẳn với sự thật như vậy. Rõ ràng họ cố ý gây hoảng loạn để kiếm lời”, Xinhua kết luận.
Soros cho rằng Trung Quốc không tránh khỏi hạ cánh cứng. Ảnh: Bloomberg |
“Thật là vô căn cứ khi bi quan về kinh tế Trung Quốc. Thực sự thì nếu có cơ hội quan sát gần gũi cuộc sống thường ngày của người Trung Quốc, anh có thể thấy chẳng có dấu hiệu nào của việc kinh tế suy giảm cả. Và chắc chắn là không có cảnh báo trước nào về một sự sụp đổ hết”, People’s Daily khẳng định.
Tờ này cho rằng những thay đổi về tỷ giá NDT chỉ là sự điều chỉnh bình thường trong biên độ hợp lý và biến động của thị trường chứng khoán. Những việc xảy ra hè năm ngoái cũng không phản ánh tình trạng thật của nền kinh tế.
Trong một buổi phỏng vấn với Bloomberg bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới tuần trước, George Soros đã nhận xét: “Hạ cánh cứng là điều không thể tránh khỏi. Tôi không dự báo điều này, mà đang quan sát nó”. Hạ cánh cứng là tình trạng nền kinh tế chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp rất nhanh, và sau đó là suy thoái.
Soros là nhà đầu cơ nổi tiếng người Mỹ gốc Hungary. Ông được đặt biệt danh “kền kền” do chuyên kiếm lời từ các doanh nghiệp, thậm chí là các nền kinh tế, đang lao đao. Vì vậy, những bình luận tuần trước của ông đã khiến giới truyền thông Trung Quốc phản ứng rất gay gắt.
Thủ tướng Lý Khắc Cường thì cho rằng những bình luận trên là vô lý. Ảnh: Xinhua |
Bắc Kinh đã cố vực dậy niềm tin vào nền kinh tế lớn nhì thế giới. Dù vậy, nước này cũng đang có nhiều điểm yếu khó che giấu. GDP Trung Quốc năm ngoái tăng trưởng chậm nhất 25 năm, trong bối cảnh nước này đối mặt với các khoản nợ khổng lồ và dư thừa công suất trong các ngành công nghiệp.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hôm qua đã tăng giá nội tệ ngày thứ 5 liên tiếp, một phần để xoa dịu mối lo do các bình luận của Soros gây ra. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn nghi ngờ độ hiệu quả của các biện pháp này.
Hôm thứ Tư, Thủ tướng Lý cũng lên tiếng bảo vệ tốc độ tăng trưởng thấp của Trung Quốc. Ông cho rằng với quy mô kinh tế 10.000 tỷ USD hiện tại, mỗi phần trăm tăng tăng trưởng của GDP cũng tương đương 1,5% của 5 năm trước, hay 2% của 10 năm trước rồi.
“Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển. Những người cho rằng Trung Quốc đã gây biến động thị trường thế giới thực sự đánh giá quá cao chúng tôi rồi”, ông nói.
Ông cũng khẳng định đồng NDT không có cơ sở để mất giá mạnh. Đây cũng là quan điểm của Chen Xingdong – kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại BNP Paribas: “Với Chính phủ Trung Quốc, NDT đang ở, hoặc đã rất gần mức cân bằng rồi. Không có cơ sở để đồng tiền này mất giá mạnh nữa đâu. Nhưng nếu thị trường không chấp nhận điều đó, nó sẽ trở thành cuộc chiến giữa Chính phủ với thị trường”.
Hà Thu(theo SCMP/Bloomberg)