Hết tháng 11, trong khi xuất khẩu nông sản và thủy sản rơi vào tình trạng sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước thì riêng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lại vẫn thẳng đường tăng trưởng. Dưới đây là cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam về tình hình kinh doanh của nhóm ngành này trong thời gian qua.
– Ông nhìn nhận thế nào về tình hình xuất khẩu gỗ của cả năm?
– Đầu năm mục tiêu xuất khẩu đặt ra là 7 tỷ USD. Tính tới hết tháng 11, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 5,8 tỷ USD, riêng tháng 12 phấn đấu xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD. Như vậy, xuất khẩu cả năm sẽ đạt 7 tỷ USD, cán đích mục tiêu đặt ra.
– 2015 được nhận định là một năm khó khăn của ngành nông nghiệp. Theo ông, đâu là nguyên nhân nào khiến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng tốt
– Trước hết, đó là do nhu cầu thị trường. Nhu cầu tiêu dùng gỗ trên thế giới vẫn đang đà tăng lên. Hiện nay, cả thế giới nhu cầu tiêu dùng gỗ khoảng 220-230 tỷ USD một năm. Riêng thị trường EU khoảng 85 tỷ USD một năm; thị trường Mỹ khoảng 27 tỷ USD một năm. Như vậy, dung lượng thị trường còn rất lớn. Trong khi đó, Việt Nam mới xuất khẩu vào Mỹ khoảng 1-2 tỷ USD một năm, xuất khẩu vào EU 700-800 triệu USD một năm thì chưa thấm gì so với nhu cầu tiêu dùng.
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu đồ gỗ uy tín trên thế giới. Nhiều tổ chức quốc tế rất thích ký hợp đồng với Việt Nam khiến đơn hàng xuất khẩu thường lúc nào cũng đầy. Trong năm nay, xuất khẩu đạt 7 tỷ USD cũng là trong tình trạng đơn hàng đầy chứ không phải vất vả tìm kiếm đơn hàng. Vấn đề chỉ là doanh nghiệp Việt Nam có đáp ứng được hay không.
Xuất khẩu gỗ sẽ cán đích sớm. |
Ở một góc độ khác quan trọng hơn là các doanh nghiệp Việt Nam có kinh nghiệm xuất khẩu gỗ tới nay đã khoảng 20 năm nên rất quen thuộc về mẫu mã, tiêu chuẩn… mà thị trường nhập khẩu đặt ra. Từ đó, doanh nghiệp thành thạo trong việc sử dụng các loại nguyên liệu để tạo ra sản phẩm đạt được yêu cầu thị trường. Bên cạnh đó, do xuất khẩu nhiều năm các doanh nghiệp cũng đã tổng kết để tổ chức lại sản xuất cho hợp lý. Trong sử dụng các dây chuyền công nghệ chế biến, cái gì có hại thì doanh nghiệp bỏ đi và ngược lại có lợi thì tăng lên. Ví dụ, trước đây doanh nghiệp chế biến gỗ có tới 30 thao tác nhưng giờ rút ngắn chỉ còn 15-20 thao tác. Điều này khiến năng suất tăng lên.
– Thông thường, một trong những khó khăn điển hình mà doanh nghiệp gặp phải là vấn đề vốn, vậy, doanh nghiệp ngành gỗ thì sao, thưa ông
– Doanh nghiệp ngành gỗ khá nhạy bén và chủ động trong vấn đề này cho nên đây cũng không phải là điều làm khó doanh nghiệp. Trên thực tế nhiều đơn vị chỉ vay vốn từ ngân hàng ở một mức độ nhất định, còn đâu doanh nghiệp chủ động làm việc với đối tác nước ngoài để có thể ứng trước vốn.
Cụ thể, doanh nghiệp đã ký hợp đồng với đối tác nước ngoài và đảm bảo chất lượng, sau đó trình bày thiếu vốn, yêu cầu đối tác ứng trước một phần tiền. Thông thường, đối tác nước ngoài sẽ sẵn sàng ứng khoảng một phần ba tổng số tiền. Ví dụ, 30 triệu USD thì đối tác chấp nhận ứng trước 10 triệu USD. Lãi suất doanh nghiệp chịu cho khoản tiền ứng trước này áp dụng như ở nước ngoài, rẻ hơn nhiều so với mức lãi suất vay của ngân hàng trong nước. Đây là sáng kiến của riêng doanh nghiệp ngành gỗ mà chưa ngành nào làm được.
– Bước sang 2016, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thực thi. Xin ông cho biết, điều này có tác động nhiều tới xuất khẩu gỗ?
– AEC hình thành khá thuận lợi cho xuất khẩu gỗ. Bởi các đơn vị ngành gỗ đã giao thương với các doanh nghiệp nội khối AEC mấy chục năm, mua bán đều thuận lợi. Khi AEC chính thức thực thi chỉ đơn giản là hợp thức hóa mối quan hệ giao thương, đi lại giữa doanh nghiệp đôi bên dễ dàng hơn. Dự kiến, năm 2016 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ tăng khoảng 10% so với năm nay, đạt 7,7 tỷ USD.
Xin cảm ơn ông!
Theo Bộ NN&PTNT, hết tháng 11, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 6,1 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2014. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc – 3 thị trường nhập khẩu nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm chiếm 67,29% tổng giá trị xuất khẩu. Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Hoa Kỳ (18%), Đức (9,8%) và Ấn Độ (74,59%). |
Theo Hải Quan