Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã giữ nguyên lãi suất gần 0% sau phiên họp hai ngày kết thúc vào hôm qua. Họ cho biết tăng trưởng của Mỹ và lạm phát có thể bị kìm hãm bởi “biến động kinh tế và tài chính toàn cầu gần đây”. Trong một buổi họp báo, Chủ tịch FED – bà Janet Yellen cũng giải thích biến động tài chính phản ánh mối lo của nhà đầu tư về tăng trưởng tại Trung Quốc.
“Nếu không phải Trung Quốc và các vấn đề bất ổn liên quan đến nước này, tôi cho rằng FED đã nâng lãi suất rồi”, Mickey Levy – kinh tế trưởng khu vực châu Mỹ và châu Á tại Berenberg nhận xét.
Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất 25 năm. Ảnh: Bloomberg |
Theo Bloomberg, mọi sự chú ý đã dồn về Trung Quốc sau đợt lao dốc giữa tháng 6 trên thị trường chứng khoán nước này, làm bốc hơi 5.000 tỷ USD vốn hóa. Bên cạnh đó, động thái phá giá đột ngột NDT hồi 11/8 cũng khiến đồng tiền này mất giá mạnh nhất 2 thập kỷ, làm chao đảo thị trường thế giới. Nền kinh tế lớn nhì thế giới đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất 25 năm, dù đã kích thích tài khóa và hạ lãi suất 5 lần.
“Trung Quốc đã có ảnh hưởng đến cuộc họp này, dù trong quá khứ, họ ít quan trọng hơn nhiều”, Tai Hui – chiến lược gia trưởng khu vực châu Á tại JPMorgan Asset Management nhận định.
Trung Quốc đang ảnh hưởng lên thế giới mạnh hơn bao giờ hết, và sức ảnh hưởng đó đang ngày càng tăng khi quy mô kinh tế nước này đang theo sát Mỹ. GDP Trung Quốc đóng góp 13,3% toàn cầu năm ngoái, từ chỉ gần 5% một thập kỷ trước, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB).
“Trung Quốc đang ngày càng trở thành mảnh ghép lớn của thế giới. Họ có ảnh hưởng lớn lên các nền kinh tế và chính sách tiền tệ của các quốc gia khác”, David Loevinger – cựu chuyên gia khu vực Trung Quốc tại Bộ Tài chính Mỹ nhận xét.
Trong buổi họp báo, bà Yellen thừa nhận các nhà hoạch định chính sách Mỹ rất tập trung vào Trung Quốc. “Chúng tôi đã xem xét các diễn biến mới trên tất cả thị trường quan trọng trên thế giới, nhưng chúng tôi đặc biệt tập trung vào Trung Quốc và các thị trường mới nổi”, bà nói.
Bà cho biết hiện FED vẫn chưa xác định được kinh tế Trung Quốc sẽ co lại với tốc độ nào, và Chính phủ sẽ ngăn đà giảm này ra sao. “Câu hỏi đặt ra là liệu đà suy giảm có nhanh hơn dự báo hay không”, bà nói.
Yellen còn đề cập đến mối lo ngại về “sự khéo léo” của các nhà hoạch định chính sách khi giải quyết vấn đề này. Sau khi chứng khoán Trung Quốc lao dốc hồi quý II, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã tiếp tục hạ lãi suất, làm yếu NDT và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các nhà băng.
Dù lạm phát dưới mục tiêu cũng là lý do các nhà hoạch định chính sách FED chưa tăng lãi suất, thị trường lao động Mỹ đã có cải thiện, với tỷ lệ thất nghiệp xuống đáy 7 năm tại 5,1% trong tháng 8. Các số liệu kinh tế của Mỹ có vẻ tốt. Nhưng con đường phía trước mới là vấn đề, và ẩn chứa rất nhiều rủi ro, Brian Jacobsen – chiến lược gia tại Wells Fargo Advantage Funds nhận xét.
“FED không phụ thuộc vào riêng Trung Quốc. Nhưng tình hình toàn cầu luôn có tác động lên tăng trưởng và lạm phát của Mỹ. FED luôn nhìn về phía trước, chứ không nhìn ra đằng sau”, Jacobsen kết luận.
Hà Thu