Tại hội thảo “Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015 -2035” do Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức sang nay (28/8), bao trùm bầu không khí là những quan ngại về nguy cơ tụt hậu của đất nước so với khu vực và trên thế giới, những vấn đề của mô hình tăng trưởng hiện nay, nút thắt của thể chế…
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng khá nhưng quy mô còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 1990 – 2014 đạt 6,9% một năm, đưa Việt Nam từ một nước thuộc nhóm các nước nghèo trên thế giới thành nước có thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, so với một số nước trong khu vực, mức GDP hơn 186 tỷ USD đạt được năm 2014 vẫn còn nhỏ. Theo tính toán, GDP của Indonesia gấp 4,8 lần GDP của Việt Nam, Thái Lan gấp 2 lần, Malaysia gấp 1,8 lần, Singapore gấp 1,7 lần và Philippines gấp 1,5 lần.
Bên cạnh đó, dù đã trở thành quốc gia có thu nhập trung binh nhưng khoảng cách về GDP bình quân đầu người Việt Nam so với các nước trong khu vực còn lớn và nguy cơ bị nới rộng.
Thu nhập người Việt tăng nhưng vẫn đi sau nhiều nước trong khu vực và thế giới. Ảnh: CityLane |
Từ năm 2008, Việt Nam đã chính thức trở thành quốc gia có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người đạt 1.145 USD, đến năm 2014 tăng lên 2.052 USD. Tuy nhiên, với mức bình quân này, Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp và chỉ ngang bằng mức GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 1988, Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010 và Hàn Quốc năm 1982.
Ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận định nền kinh tế Việt Nam đang có nguy cơ tụt hậu lớn. Cụ thể, báo cáo cho hay tăng trưởng bình quân 7%, nhưng rất khác biệt giữa hai giai đoạn, trước năm 2008 là 7,8% mỗi năm, nhưng từ 2008 đến nay chỉ 5,8%,, chênh lệch khoảng 2 điểm phần trăm. So với các nước trong khu vực, nếu tăng trưởng 5%, đến năm 2023, GDP của Việt Nam chỉ bằng 7% Thái Lan, còn nếu tăng 7%, sẽ bằng 98% GDP của Thái Lan hiện nay. Nên nhìn thấy nguy cơ tụt hậu lớn, 7% thái lan của hiện nay nếu tăng 5%.
“Nếu tăng trên 7% may ra mới đuổi kịp được, còn 5% chắc chắn tụt hậu”, ông Cung nhấn mạnh.
Thêm vào đó, năng suất lao động chưa cải thiện, tăng chủ yếu nhờ chuyển dịch lao động. Vốn đang được đầu tư vào những ngành năng suất thấp, hiệu quả thấp như tài chính – ngân hàng, bất động sản. “Điều này không hợp lý, nguyên nhân do tín hiệu thị trường sai lẹch, các ngành năng suất thấp, hiệu quả thấp thu hút nguồn lực là do có địa tô cao, hơn là tạo ra giá trị gia tăng”, vị này chia sẻ
Lãnh đạo CIEM khuyến nghị để nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, cải cách thể chế là nhiệm vụ trọng tâm và không thể chần chừ. Theo ông, mục tiêu ổn định vĩ mô là cần thiết nhưng chưa đủ, nếu không đổi mới thể chế, chức năng của Nhà nước thì nguy cơ tài khóa, tiền sẽ mở rộng và gây ra bất ổn.
Tiến sĩ Võ Đại Lược cho hay tình hình kinh tế đang phức tạp, có điểm sáng, có điểm tối, nếu chỉ bàn đến giải pháp kinh tế thì không thể giải quyết được, chẳng hạn như vẫn giữ doanh nghiệp Nhà nước làm chủ đạo thì không thể xử lý được những vấn đề tồn động tại khu vực này.
“Ở thời điểm hiện nay, muốn giải quyết thực sự vấn đề thì chuyện không phải là kinh tế mà phải chính trị, phải có sự đổi mới về tư duy quan điểm phát triển, từ đó đổi mới thể chế”, ông Lược nói.
Đồng quan điểm, ông Trương Đình Tuyển khẳng định để thể chế kinh tế tốt lên, phải cải cách chính trị, từ đó xây dựng xã hội hiện đại dựa trên ba nội dung: kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng cho rằng tuy kinh tế Việt Nam đang phát triển, nhưng có sự thật là năng lực cạnh tranh đang kém hơn các nước, gây nên mối nguy trong quá trình hội nhập mạnh mẽ. “Hội nhập là cạnh tranh, nếu không cạnh tranh được thì chúng ta thất bại”, ông Vinh phát biểu.
Phương Linh