5 xu hướng thương mại điện tử trên nền tảng di động tại Việt Nam

Với 39% dân số sử dụng Internet và 34% sử dụng Internet qua nền tảng di động, Việt Nam có tiềm năng lớn về thương mại điện tử trên nền tảng di động. Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin – Bộ Công Thương, đang có 5 xu hướng chính của thị trường thương mại điện tử trên nền tảng di động Việt Nam:

1. Dịch vụ thương mại trên di động

Đối với hoạt động bán hàng B2C (từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng), trong tổng số truy cập đến website doanh nghiệp, có 28% đến từ các thiết bị di động. Tuy nhiên người dùng di động để mua hàng chiếm tỷ lệ thấp hơn (13%) so với việc mua hàng qua các thiết bị khác.

rao-vat-1625-1420676746.jpg

Sàn giao dịch thương mại điện tử trên nền tảng di động cho phép khách hàng xem, liên hệ và mua bán ngay trên thiết bị cầm tay.

Theo đánh giá của VECITA, thương mại điện tử trên nền tảng di động đang dần thâm nhập lĩnh vực bán lẻ. Các thiết bị như smartphone, máy tính bảng từ chỗ là phương tiện để khách hàng xem thông tin và liên lạc, chuyển sang vai trò tương tác giữa nhà bán lẻ và người dùng. Vấn đề đối với các nhà bán lẻ là giải quyết bài toán công nghệ và dịch vụ thương mại cốt lõi.

Một mô hình đang phổ biến là sàn giao dịch thương mại điện tử cũng đang chuyển mình để đầu tư vào nền tảng di động. Có lợi thế nhất hiện nay là các sàn thương mại lớn, sẵn có tập khách hàng lớn và chỉ cần phát triển giải pháp di động bên cạnh nền tảng web. Trong khi đó, nhóm các doanh nghiệp mới tham gia chọn cách giải quyết bài toán công nghệ, tạo ra nền tảng ứng dụng tốt rồi mới xây dựng cộng đồng người bán – mua.

2. Dịch vụ ngân hàng – thanh toán trên di động

Thanh toán trực tuyến trên nền tảng di động tại Việt Nam có tiềm năng phát triển, do có 45% người dùng có nhu cầu chuyển tiền theo khảo sát của Ericsson năm 2014. Ngoài ra, ngày càng nhiều người quan tâm và muốn tìm hiểu các tiện ích thanh toán qua di động. Tiềm năng của lĩnh vực này lớn. Cũng theo khảo sát của Ericsson, 10% số người được hỏi cho biết họ mong muốn thử thanh toán qua di động và mới có 1% trong số đó thực sự từng trải nghiệm dịch vụ. Đối với những người từng thanh toán qua di động, đa số họ dùng cho hai mục đích chính là trả hóa đơn và chuyển tiền.

thanh-toan-2112-1420676746.jpg

19% số người được hỏi cho biết họ đã nghe về thanh toán trên nền tảng di động và 1% cho biết đã từng sử dụng dịch vụ, theo khảo sát của Ericsson năm 2014.

Trước làn sóng ngân hàng điện tử toàn cầu, dịch vụ ngân hàng trên di động cũng hứa hẹn sẽ phát triển nhanh tại Việt Nam trong thời gian tới. Tính đến năm 2014, có 31 ngân hàng Việt Nam triển khai dịch vụ này, theo khảo sát của Asean Bank Forum.

* Ngân hàng chạy đua Mobile Banking

3. Dịch vụ tương tác trên di động

Một trong số những dịch vụ tương tác trên di động đang phát triển nhanh ở Việt Nam là đặt chỗ taxi qua di động, với sự tham gia chủ yếu của các doanh nghiệp ngoại như Uber, Grabtaxi và Easytaxi. Trong đó, Grab và Easy kết nối các hãng taxi truyền thống với khách hàng qua thiết bị di động, còn Uber kết nối giữa lái xe nói chung và hành khách với nhau. Mặc dù mới xuất hiện, dịch vụ trên đã có lượng khách hàng thường xuyên tương đối, cạnh tranh với dịch vụ taxi truyền thống. Khảo sát của SocialHeart cho thấy tại Việt Nam, Grabtaxi đang chiếm thị phần lớn nhất.

taxi-6946-1420676747.jpg

VECITA dự báo 2015 sẽ là năm sôi động với thị trường dịch vụ taxi. Bên cạnh việc khách hàng được hưởng dịch vụ tốt hơn, năm nay sẽ có thể xuất hiện thêm doanh nghiệp Việt tham gia vào thị trường tiềm năng này.

Ngoài ra, một dịch vụ tương tác khác trên di động đang dần nở rộ là ứng dụng mobile cung cấp voucher, coupon, thẻ thành viên cho người tiêu dùng. Khảo sát của VECITA cho thấy 62% số người được hiểu cho biết họ quan tâm đến ứng dụng dạng này. Bên cạnh những công ty mua theo nhóm đã quen mặt với thị trường voucher, các nhà sản xuất thiết bị di động nhảy vào cuộc chơi như Samsung, Microsoft tung ứng dụng mã giảm giá trên các dòng điện thoại của họ tại Việt Nam.

4. Dịch vụ nội dung số trên thiết bị di động

Dịch vụ nội dung số trên di động tại Việt Nam được triển khai theo hai mô hình chính là trả phí trực tiếp cho từng nội dung và đăng ký thuê bao để sử dụng. Hình thức thứ nhất đã phổ biến từ lâu như tải nhạc chuông, nhạc chờ, hoặc tải trực tiếp từ Internet. Khảo sát của VECITA cho thấy phần đông người tiêu dùng không có tâm lý sẵn sàng trả tiền mua các ứng dụng trả tiền để sử dụng, mà thay vào đó sử dụng phần mềm sẵn có hoặc bất hợp pháp.

ung-dung-di-dong-1888-1420676747.jpg

Tuy nhiên, ở hình thức thứ hai cho phép người dùng thanh toán định kỳ để đăng ký thuê bao và sử dụng dịch vụ, đã có nhiều người cho biết họ sẵn sàng trả phí. Trên 20% số người được hỏi cho biết họ sẵn sàng trả tiền để xem phim trực tuyến trên di động, cũng theo khảo sát mới nhất của VECITA.

5. Ứng dụng, trò chơi trên di động

Doanh nghiệp phát triển ứng dụng tại Việt Nam đang chú trọng đến phát triển mảng trò chơi nhiều hơn thay vì các ứng dụng thông thường. Số lượng trò chơi trên các chợ ứng dụng tại Việt Nam hiện ở trên con số 10.000, trong khi số lượng ứng dụng khác khoảng 2.000. Trò chơi di động cũng là ứng dụng đem lại lợi nhuận nhiều nhất cho các doanh nghiệp, với doanh thu chiếm 60% trên tổng doanh thu từ ứng dụng di động.

tro-choi-6099-1420676747.jpg

Biểu đồ tăng trưởng của thị trường trò chơi di động. Đơn vị: triệu USD.

Theo khảo sát của APPOTA, năm 2014 thị trường trò chơi di động tại Việt Nam đạt doanh thu 210 triệu USD, tăng 75% so với 2013. Tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ chậm dần và đạt mức 410 triệu USD vào năm 2017.

* Trào lưu kinh doanh game mobile sau cú hích Flappy Bird

Một trong những trò chơi thành công tiêu biểu năm 2014 là Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông. Một số nhà đánh giá quốc tế cho rằng trò chơi này đã mang lại 3 triệu USD cho Nguyễn Hà Đông dù tác giả đã tự rút trò chơi khỏi kho ứng dụng chỉ sau khoảng một năm kể từ ngày cho ra mắt.

Thanh Bình

0913.756.339