Hàng loạt nhà máy của các công ty nước ngoài đang mọc lên tại Long An để tận dụng nguồn nhân lực trẻ và giá nhân công chỉ bằng nửa Trung Quốc. Tỉnh này đã có cả chục khu công nghiệp. Và đến tháng 5, họ cũng thu hút 3,67 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, 40% số đó là đổ vào dệt may.
Các nhà kinh tế học cho biết quá trình này có thể tăng tốc khi Quốc hội 12 nước thông qua Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thỏa thuận này sẽ giảm thuế nhập khẩu với nhiều loại hàng hóa trao đổi giữa các quốc gia thành viên, chủ yếu làm lợi cho các nước đang phát triển như Việt Nam hay Malaysia – những nước có tăng trưởng phụ thuộc lớn vào xuất khẩu.
TPP sẽ mang lại “điều tuyệt vời nếu có hiệu lực”, Frank Smigelski – Phó chủ tịch Avery Dennison – một trong những hãng sản xuất mác quần áo lớn nhất thế giới cho biết trên Wall Street Journal. Hồi tháng 7, công ty Mỹ này đã mở một nhà máy gần 28.000 m2 tại Long An. Trong đó, các máy móc của họ sản xuất mác quần áo cho những thương hiệu như Uniqlo hay North Face.
TPP “sẽ khuyến khích nhiều hãng dệt may tăng sản xuất tại đây. Họ càng đến nhiều, chúng tôi càng có lợi”, ông Smigelski cho biết.
TPP sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho Việt Nam. Ảnh: NYTimes |
Lương nhân công tăng vọt và thiếu hụt lao động tại Trung Quốc đang khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn. Năm ngoái, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam đã chạm 12,4 tỷ USD, tăng gần 25% so với năm 2009. Một trong những nhà đầu tư lớn nhất là Samsung Electronics của Hàn Quốc, với kế hoạch tăng gấp đôi đầu tư vào sản xuất đồ điện tử tại đây.
Nếu TPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ là nền kinh tế hưởng lợi lớn nhất, do nước này có thêm cơ hội tiếp cận các thị trường tiêu dùng lớn, theo dự báo của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE). TPP sẽ “cho các nước thành viên đặc quyền tiếp cận Mỹ và Nhật Bản”, Chris Clague – chuyên gia tư vấn cấp cao tại Economist Intelligence Unit nhận định.
Chính phủ Việt Nam ước tính TPP có thể mang lại cho nền kinh tế 33,5 tỷ USD trong thập kỷ tới, tương đương một phần năm GDP hiện tại. Kim ngạch xuất khẩu của các ngành công nghiệp chính, như dệt may và da giày, sẽ tăng 46% lên 165 tỷ USD năm 2025 nhờ được miễn thuế nhập khẩu vào các nước khác, PIIE cho biết.
Còn theo hãng tư vấn PwC, tiền rót vào quốc gia Đông Nam Á này có thể biến Việt Nam thành một trong hai quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2015-2050, cùng với Nigeria.
Tại Long An, nhà máy 3 tầng của Avery Dennison đang chuẩn bị cho sự đổ bộ của các đơn hàng về mác quần áo và mác giá. Hàng chục căn nhà bê tông cho các công nhân nhà máy cũng đang được xây dựng – tín hiệu cho thấy nhiều hãng sản xuất khác cũng đang dồn về đây.
Cơ sở tại Long An sẽ cho phép Avery Dennison thoải mái tăng trưởng cho đến năm 2020. Nhưng công ty cũng đang cân nhắc mở rộng nếu sản xuất quần áo tăng vọt sau TPP, ông Smigelski cho biết.
Dù vậy, lợi ích mà Avery Dennison và ngành dệt may Việt Nam nói chung nhận được sẽ còn phụ thuộc vào các chi tiết của thỏa thuận cuối cùng. Rất nhiều nhà phân tích cho rằng TPP đòi hỏi mọi thứ của sản phẩm dệt may phải đến từ các nước thành viên thì mới được miễn thuế.
Quy định như vậy có thể khiến các hãng phải tìm cách tuân theo, do Việt Nam nhập khẩu phần lớn chỉ và vải từ Trung Quốc và nhiều nước không thuộc TPP. Dù vậy, trong dài hạn, quy định về nguồn gốc có thể càng thúc đẩy ngành dệt may tại Việt Nam, nếu các hãng sản xuất vải sợi và chỉ buộc phải mở cơ sở tại đây, ông Smigelski cho biết.
Avery Dennison đã bắt đầu nâng cấp sản xuất tại Việt Nam sang các công đoạn tinh vi hơn, sử dụng các khung dệt khổng lồ để sản xuất phần trên cho loại giày siêu nhẹ của Nike. Kỹ năng của công nhân Việt Nam cũng ngày càng tăng mạnh và Việt Nam cũng đã phù hợp với các công đoạn sản xuất phức tạp, Avery Dennison cho biết.
“Những gì Trung Quốc mất 30 năm mới làm được thì Việt Nam sẽ chỉ mất 10 năm thôi. Đó là lý do vì sao ngày càng nhiều công ty đặt cược vào quốc gia này”, Smigelski cho biết.
Hà Thu