Bản báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh vừa được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) công bố cuối tuần rồi cho biết, tổng dư nợ vay của công ty mẹ tại 22 tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 6/2014 khoảng 11.100 tỷ đồng.
Đáng kể nhất trong số này là khoản hơn 3.500 tỷ tại các ngân hàng thương mại Nhà nước. Ít hơn một chút là nợ các tổ chức trong nước (cũng gần 3.500 tỷ). Tiếp đó là hơn 2.300 tỷ nợ các tổ chức nước ngoài. Số còn lại là nợ tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
“Tuy nhiên, con số cập nhật đến cuối năm của công ty mẹ đã giảm đi chừng 1.000 tỷ, dư nợ tính đến hết năm 2014 còn hơn 10.000 tỷ đồng”, nguồn tin từ Vinalines cho biết.
Ngoài ra, số nợ chuyển giao từ các doanh nghiệp thuộc Vinashin trước đây cũng đã giảm đáng kể, từ con số gần 5.600 tỷ hồi đầu năm ngoái xuống còn xấp xỷ 2.300 tỷ khi kết thúc năm tài chính 2014.
Số nợ hàng nghìn tỷ được tái cơ cấu kể trên chủ yếu được thực hiện qua hai cách. Một là bán nợ qua Công ty mua bán nợ DATC và cách thứ hai là chuyển nợ thành vốn góp.
Cụ thể, thương vụ thành công đầu tiên và cũng là lớn nhất với một ngân hàng nội thông qua DATC mà Vinalines thực hiện là hoán đổi khoản nợ của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank).
Dù không tiết lộ giá trị khoản nợ nhưng một lãnh đạo Vinalines cho biết DATC đã mua lại khoản nợ tại Vietcombank với mức khoảng 30% giá trị nợ gốc.
Tàu Vinalines Sky là tải sản đảm bảo cho khoản nợ của Vinalines tại Vietcombank |
“Anh cả đỏ” của ngành vận tải biển kỳ vọng, tới đây sẽ có nhiều chủ nợ là các tổ chức tín dụng trong nước sẽ chấp nhận tái cơ cấu nợ theo cách thức tương tự mà nhiều khả năng sẽ là một ngân hàng thương mại cổ phần.
Nếu như các tổ chức trong nước còn chần chừ với phương cách này thì hầu hết các chủ nợ nước ngoài tỏ ra hào hứng với việc hoán đổi nợ qua DATC mà đứng đầu là HSBC.
“Giải pháp thông qua công ty mua bán nợ mua lại các khoản nợ của Vinalines và Tổng công ty nhận nợ lại từ DATC với giá thấp có tính khả thi cao”, ông Lê Anh Sơn, Tổng giám đốc Vinalines thừa nhận.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo doanh nghiệp, Vinalines sẽ không đủ tiền để trả cho DATC nếu không được sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa lần đầu mà trước mắt cụ thể là khoản gần 700 tỷ từ IPO các cảng biển.
Vì vậy, trong báo cáo cuối năm gửi Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty tiếp tục xin giữ lại toàn bộ nguồn tiền thu được từ bán cổ phiếu lần đầu khi tiến hành cổ phần hóa các đơn vị thành viên và công ty mẹ để cơ cấu các khoản nợ cũng như tạo nguồn cho DATC thực hiện mua nợ.
“Đây là giải pháp có lợi cho Vinalines vì khó nhất với họ lúc này là dòng tiền để khôi phục sản xuất, nhất là khi thị trường đang có dấu hiệu hồi phục. Điều này sẽ giúp họ “tự bơi” nhiều hơn thay vì phải dùng đến biện pháp phát hành trái phiếu hoán đổi nợ như từng áp dụng với Vinashin”, một chuyên gia ngân hàng bày tỏ.
Ngoài ra, việc chuyển nợ thành vốn góp khi cổ phần hóa cũng là một biện pháp được Tổng công ty kỳ vọng.
Báo cáo của Vinalines cho biết một số ngân hàng chấp nhận chuyển nợ thành vốn góp vào các cảng biển, các khoản đầu tư mà Tổng công ty đang thoái vốn, hoặc vào công ty mẹ khi IPO trong quý I/2015.
Thực tế, vào tháng trước, phần lớn trong hơn 20 triệu cổ phần của Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank) do Vinalines nắm giữ đã được bán cho một nhà băng vốn là chủ nợ của Vinalines. Giá bán số cổ phần này cao hơn hẳn mức đang niêm yết trên sàn nhưng điều kiện đặt ra là toàn bộ số tiền thu về sẽ được dùng để trả khoản nợ khoảng 200 tỷ đồng cho chính ngân hàng này.
Tuy nhiên, thương vụ hoán đổi nợ được chờ đợi nhất là đổi cổ phần của Cảng Hải Phòng để khấu trừ dần khoản nợ lên đến 5.000 tỷ tại Ngân hàng Công thương (Vietinbank) vẫn đang giậm chân tại chỗ. Lý do được đưa ra là bởi Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có cơ chế chấp thuận cho các ngân hàng thực hiện giải pháp đổi nợ thành vốn góp thông qua thỏa thuận trực tiếp.
Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng, khác với cách chuyển cổ phần tại Maritime Bank, việc đổi nợ thành vốn góp tại Cảng Hải Phòng, nếu diễn ra sẽ khiến Vinalines thua thiệt.
“Phương thức này chỉ có tác động làm đẹp sổ sách cho Vinalines và giúp Vinalines không phải trả lãi chứ không có tiền tươi, nghĩa là không có ‘máu’ tiếp sức cho Vinalines. Đồng nghĩa, năng lực kinh doanh của Vinalines không có cơ hội nào để cải thiện, không khó dự đoán Vinalines lại vướng vào vòng nợ nần như trước”, chuyên gia Bùi Kiến Thành bình luận.
Lãnh đạo Vinalines thừa nhận, dù có lúc rất hy vọng vào biện pháp chuyển nợ thành vốn góp, song kết quả lại không như ý muốn bởi danh sách mà Tổng công ty chào hàng, như các doanh nghiệp vận tải biển thì các chủ nợ lại không mấy mặn mà. Trong khi các chủ nợ lại nhắm vào cảng biển – là mặt hàng tốt nhất mà Vinalines đang có.
Vậy nên, dễ hiểu vì sao các chuyên gia cảnh báo rằng đổi nợ bằng cổ phần cảng biển “không phải là cách làm khôn ngoan” với Vinalines lúc này.
Chí Hiếu