USD ngân hàng vượt 21.570 đồng

Vào cuối giờ chiều 23/3, giá USD trong ngân hàng có dấu hiệu nóng lên. Ngân hàng Ngoại thương – Vietcombank đã nâng giá mua bán 30 đồng so với đầu ngày, lên 21.490-21.550 đồng.

Cùng lúc, giá bán ra của Eximbank cao hơn 20 đồng, lên 21.570 đồng, tăng khoảng 40 đồng so với sáng. Thậm chí, giá bán của Vietinbank lúc 17h chiều này đã chạm 21.575 đồng.

Trong đợt điều chỉnh giá USD lần này, diễn biến mua bán đôla Mỹ chỉ chủ yếu nóng trong các ngân hàng, còn ngoài thị trường tự do khá yên ắng. Các điểm mua bán USD tại Hà Nội và TP HCM bằng đúng với mức đầu ngày, khi công bố quanh 21.660-21.690 đồng.

usd10-9066-1427112975.jpg

USD ngân hàng bật tăng trong khi thị trường tự do vẫn tương đối yên ắng.

Trao đổi với VnExpress, chủ một điểm thu mua ngoại tệ trên đường Lê Lợi, (quận I, TP HCM) cho biết, giao dịch ngày nay khá yếu nên không điều chỉnh giá. “Khách mua và bán ngang nhau với số lượng chỉ khoảng vài nghìn đôla Mỹ nên không có áp lực phải tăng giá”, bà nói.

Trong khi đó, lý giải cho động thái của mình, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần có trụ sở phía Nam cho biết, vì cầu ngoại tệ có dấu hiệu lớn hơn cung trong chiều nay, nên ngân hàng phải tăng giá. “Tuy nhiên, thanh khoản của nhà băng hiện vẫn ổn”, ông nói.

Thời gian gần đây, đôla Mỹ tăng giá mạnh so với hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới. Chỉ tính riêng từ đầu năm, euro đã mất giá hơn 12% so với USD có thể cũng là một áp lực lên tỷ giá USD/VND. Trong nước, các nhà băng đã có động thái điều chỉnh giá mua bán USD từ tuần trước. Theo đó, từ mốc quanh 21.395 đồng mỗi USD hôm 15/3, đến sáng 21/3 đã lên 21.520 đồng, tức tăng 125 đồng (nhưng vẫn còn thấp hơn trần cho phép 153 đồng) và tạm chững lại trong hai ngày vừa qua.

Diễn biến này khiến cho nhiều người lo ngại lời cam kết cả năm tỷ giá tăng không quá 2% của Thống đốc đang bị áp lực. Tuy nhiên, theo phân tích của PGS – Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng Trường đại học Tài chính Marketing TP HCM, mục tiêu này là trong tầm khả năng.

Lý do được chuyên gia đưa ra là Ngân hàng Nhà nước đang có lượng ngoại tệ hoàn toàn đủ để can thiệp trên thị trường, thể hiện qua cung ngoại tệ khá dồi dào, cán cân thanh toán liên tục thặng dư trong nhiều năm qua… Bên cạnh đó, cơ quan này cũng có các công cụ hành chính khá hữu hiệu khi nắm trong tay các ngân hàng thương mại lớn có thể can thiệp để ổn định tỷ giá.

Nhưng vấn đề nổi cộm hiện nay là việc nhiều đồng tiền khác đang mất giá mạnh so với USD, nên các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần phá giá tiền đồng để tăng tính cạnh tranh về hàng hoá cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân phân tích, thời gian qua đồng đôla Mỹ có tăng giá so với một số đồng tiền khác như EUR, yen… nhưng so với các đồng tiền trong khu vực như đồng bạt (THB) của Thái, đồng pê-sô của Philippines, đồng ringgit (MYR) của Malaysia… thì USD tăng không đáng kể. Trong khi đó, Việt Nam đã dự báo được đồng đôla Mỹ sẽ tăng giá trong 2015 nên ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều chỉnh tỷ giá tăng 1%.

Mặc khác, chuyên gia cho rằng, việc USD đang mạnh lên và nếu tiếp tục tăng trong thời gian tới thì áp lực lên tỷ giá là có, nhưng chính sách tỷ giá của Việt Nam hiện nay còn có một áp lực khác lớn hơn đó là phải kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, nếu điều chỉnh tăng tỷ giá sẽ khiến cho giá cả trong nước tăng theo. Đó là chưa kể, phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam họ đều phải nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào nên việc tăng tỷ giá cũng khiến chi phí của họ đội lên… Do đó, nhà điều hành cần ưu tiên ổn định tỷ giá, bảo vệ giá trị đồng Việt Nam.

Còn về việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, không nhất thiết phải phá giá tiền đồng mà có nhiều cách khác. Tiến sĩ Ngân chỉ ra như có thể hỗ trợ về chính sách thuế phí, nguồn vốn ưu đãi,… thì vẫn có thể giúp hàng hoá của doanh nghiệp có giá cả cạnh tranh khi xuất khẩu qua các nước.

“Đó là chưa kể bản thân các doanh nghiệp khi kinh doanh xuất khẩu thì bản thân họ đã có các công cụ phòng ngừa, hạn chế rủi ro tỷ giá”, ông Ngân nhấn mạnh.

Lệ Chi

0913.756.339