Tư vấn chuyên gia: Gặp nhà đầu tư như thế nào trong lần đầu khởi nghiệp

Theo Lê Huỳnh Kim Ngân – đồng sáng lập chương trình ươm mầm khởi nghiệp Seed For Action (SFA), start-up thường bị chi phối bởi nhiều yếu tố bên ngoài, mà không tập trung mục tiêu cốt lõi, mất cơ hội thu hút trong lần đầu tiếp xúc với nhà đầu tư. Từ kinh nghiệm của mình, chị muốn chia sẻ để các cá nhân bắt đầu khởi nghiệp có thể tham khảo:

Thứ nhất, bạn cần xác định rõ bạn có phù hợp với khởi nghiệp hay không. Start-up không phải là một cuộc chơi vui, khi bạn khởi nghiệp, nghĩa là bạn bắt đầu kinh doanh. Bạn hãy tự hỏi bản thân 100 lần là bạn có thể nhịn đói ăn mì gói suốt mấy năm liền hay không? Bạn có nguồn tài chính tự đủ nuôi mình trong thời gian ngắn hạn ít nhất là một năm chưa? Bạn có sẵn sàng không nhận lương, còn số tiền bạn kiếm được sẽ dành cho việc trả lương người khác không? Khi khởi nghiệp, bạn cần đặt quyền lợi của công ty trước quyền lợi của cá nhân mình. 

tu-van-chuyen-gia-gap-nha-dau-tu-nhu-the-nao-trong-lan-dau-khoi-nghiep

Buổi gặp gỡ giữa nhà đầu tư với các start-up tại một sự kiện về khởi nghiệp diễn ra hồi đầu tháng này. Ảnh: T.T

Thứ hai, sự trải nghiệm là điều cần thiết. Thực tế, làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam đã diễn ra cách đây cả thập niên. Dù khi đó, không có nhiều điều kiện tốt, môi trường khởi nghiệp thuận lợi như hiện nay, song đó là giai đoạn có nhiều người sáng lập thành công bền vững nhất. Những người sáng lập khi bắt đầu khởi sự kinh doanh, họ vốn dĩ đã và đang là người có kinh nghiệm. Không như hiện nay, người người khởi nghiệp mà chẳng hiểu vì sao mình lại lựa chọn khởi nghiệp. Đây là điều nguy hiểm.

Các nhà sáng lập viên, dù trong nước hay nước ngoài họ đều có điểm chung là từng làm qua rất nhiều công việc, lĩnh vực. Kể cả khi đó, họ không biết đam mê thực sự là gì, nhưng họ chăm chỉ làm việc, từ những công việc nhỏ nhặt nhất cho đến khi sản phẩm của họ phát triển nhất. Bạn không thể khởi nghiệp khi bạn chưa thực sự trải qua kinh nghiệm làm việc thực tế hay cọ xát trong cuộc sống. Bạn cần thất bại thật nhiều trước khi khởi nghiệp thực sự.

Thứ ba, làm “bài tập” trước khi gọi vốn. Nói chính xác là trả lời các câu phỏng vấn của nhà đầu tư. Thực tế, các quỹ đầu tư luôn hỏi những câu giống nhau. Trừ khi bạn đang gọi vốn cho những vòng sau với số tiền lớn hơn. Do đó, những câu hỏi của một nhà đầu tư đặt ra là không bao giờ thừa thãi. Điều đáng buồn là hầu hết, những câu trả lời của cá nhân start-up chỉ mang tính chất qua loa. Bạn cần tham khảo các mẫu câu hỏi tại các diễn đàn khởi nghiệp để chuẩn bị tốt nhất tâm lý cũng như trọng tâm câu trả lời. Một số điều bạn cần lưu ý khi trao đổi với nhà đầu tư:

Nói chuyện bằng con số, không nói theo cảm tính. “Tôi cảm thấy thị trường này lớn” không có tác dụng bằng  “Theo báo cáo của TNS thì thị trường tiềm năng của sản phẩm A tại Việt Nam là 50 triệu USD”. Nhiều cá nhân rất lười trong việc tìm số liệu hoặc hay biện minh bằng lý do “không tìm thấy, hoặc Việt Nam giấu số liệu kỹ quá”. Có một câu rất hay rằng: “Khi người ta muốn, người ta tìm cách. Khi người ta không muốn, người ta tìm lý do.”

Các con số phải logic và có liên quan với nhau. Nếu có nguồn dẫn chứng thì cũng nên rõ ràng. Không có con số nào đúng hay chính xác 100%, song luôn có những con số hợp lý và chấp nhận được ở một vài góc độ nào đó.

Diễn giải ít thôi, sử dụng kinh nghiệm của mình để đưa ra nhận định. Tất cả những gì bạn cần làm là thể hiện khi bạn chọn ngách/ngành/dịch vụ/lĩnh vực nào đó bạn khởi nghiệp. Hãy chắc chắn bạn hiểu về thị trường, hiểu về đối thủ, hiểu bạn đang làm gì nhiều hơn nhà đầu tư.

Thứ tư, “quyến rũ” nhà đầu tư. Khi gặp gỡ nhà đầu tư, thời gian của cả hai không nhiều, vì thế bạn nên làm thế nào để gây ấn tượng với họ. Điều này rất quan trọng. Tôi có hỏi một nhà đầu tư lâu năm, họ cho biết, là họ thích hoặc ấn tượng với những tính cách tiêu biểu của người sáng lập như sau:

Quyết liệt. Chưa cần biết bạn có thành công về sau hay không, nhưng bạn phải là một người vô cùng quyết liệt với những gì mình làm, bảo vệ ý tưởng của mình, bảo vệ start-up của mình vì đó là con của bạn, và bạn cần bảo vệ tối đa. Bạn cần thể hiện được tinh thần: nếu có ai cũng có ý tưởng giống tôi, thì chỉ có thể là tôi làm được mà không phải ai khác.

Biết tiếp thu, không bảo thủ. Quyết liệt không có nghĩa là bảo thủ. Nếu bạn hạ thấp bản thân, cái tôi một chút, bạn sẽ học được rất nhiều từ sau buổi nói chuyện với nhà đầu tư.

Là người “bán” được sản phẩm của mìnhĐiều này không có nghĩa bạn cứ chăm chăm bán cho bằng được sản phẩm hay dịch vụ của mình mà bạn đang thuyết phục người khác dùng được sản phẩm của mình, yêu thích nó và họ sẵn sàng sau khi dùng thử nghiệm xong sẽ giới thiệu cho người khác. Đó là một thành công. Nếu được có thể “ép” nhà đầu tư phải sử dụng sản phẩm của mình trong lần gặp đầu tiên và nhắc nhở họ một cách khéo léo (nhưng liên tục).

Giỏi một thứ gì đó. Bạn có thể là một người làm kỹ thuật tốt nhưng quản lý tồi – không sao. Bạn có thể là một người bán hàng giỏi nhưng không biết tí gì về kỹ thuật – không sao. Nhưng phải chắc chắn bạn phải giỏi một thứ gì đó và điều đó có lợi cho công ty bạn xây dựng. Những mảnh ghép còn thiếu, bạn có thể tìm chuyên gia sau (hoặc đồng sáng lập với mình, nếu bạn đủ may mắn).

Thứ năm, hãy luôn gặp nhà đầu tư cùng với người đồng sáng lập hay cố vấn của mình. Đừng đi một mình nếu bạn chưa đủ giỏi, chưa đủ tự tin để tiếp xúc với nhà đầu tư. Hãy luôn đi cùng một ai đó mà người đó đang lấp vào chỗ trống kinh nghiệm của bạn. Nếu bạn không tin vào bản thân mình, không tin vào sản phẩm của bạn thì làm sao nhà đầu tư có thể tin vào khả năng thành công của bạn. Bạn phải luôn tin vào chính mình.

Thành Tâm ghi

0913.756.339