Aviapark được xây dựng ở tây bắc Moscow, với diện tích bằng 36 sân bóng đá. Dĩ nhiên, sự hoành tráng này đã khiến người dân thủ đô choáng ngợp. Nhưng, khi túi tiền của người Nga đang co lại, shopping tại hơn 500 cửa hàng và 80 nhà hàng tại đây ( một số còn đang xây dựng) có vẻ tương đối xa xỉ.
Trưa Chủ Nhật, tại bể cá hình trụ đặt giữa trung tâm, một nhóm người đang túm tụm tạo dáng chụp ảnh. Những chú hề đi trên cà kheo, các buổi múa rối và thổi kèn cũng thu hút nhiều gia đình trẻ. Còn trên sân trượt băng ở tầng cao nhất, một số khác đang thắt lại dây giày trượt cho con.
Bên trong trung tâm thương mại Aviapark tại Moscow (Nga). Ảnh: Moscow Times |
Tuy nhiên, khu mua sắm rộng 230.000 m2 này có vẻ chỉ là lựa chọn thứ nhì của người dân. “Chúng tôi đến đây vì ở gần thôi. Lũ trẻ muốn ngắm bể cá. Chứ thực ra tôi có ghé vào gian hàng nào đâu”, Irina Yermakova – một bà mẹ 2 con cho biết trên Moscow Times.
Phần lớn trong số 43 người bắt xe bus miễn phí từ Aviapark đến trạm tàu điện ngầm Dynamo cuối tuần trước chẳng hề mang theo tiền. Họ tới đây vì tò mò hơn là mua sắm.
Đồng rouble đã mất một phần ba giá trị so với USD năm nay. Người Nga cũng đã nhận thấy sức mua các mặt hàng nhập khẩu của mình suy giảm, khi tuần trước, Apple tăng giá sản phẩm tại Nga lên 25%, do rouble yếu đi.
Thêm vào đó, lạm phát hơn 8% cũng có nghĩa giá cả trong nước đã tăng đáng kể. Trong 2 tháng 10-11, giá bột mì đã tăng hơn 70%, Interfax cho biết.
Một trong hai nhà đầu tư chính vào Aviapark là Igor Rotenberg – con trai của Arkady Rotenberg – ông trùm xây dựng và ngân hàng đã bị Mỹ, EU, Canada và Na Uy liệt vào danh sách đen vì nghi dính dáng đến khủng hoảng Ukraine. Arkady Rotenberg là bạn tập judo lâu năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Việc xây dựng Aviapark bắt đầu từ 2 năm trước, khi triển vọng kinh tế Nga còn tương đối sáng sủa. Năm 2012, Nga quay về thời kỳ đỉnh cao trước khủng hoảng, tăng trưởng GDP ổn định với trên 3% và giá dầu cao nhất 4 năm.
Dù tình thế hiện giờ đã rất khác, các nhân viên của Aviapark vẫn khá lạc quan về tương lai của trung tâm. “Tôi không biết nơi này sẽ thế nào vào ngày thường, nhưng rõ ràng đã có rất nhiều người tới dịp cuối tuần. Tôi chỉ hơi ngạc nhiên là ở đây không có McDonald’s. Có lẽ là vì lệnh trừng phạt”, Nurin Duisenbekov – nhân viên khu trượt băng cho biết.
Oksana – chủ một gian hàng giày tại Aviapark thì nhận xét việc kinh doanh “cũng không tệ” trong tuần đầu tiên mở cửa. “Chúng tôi đã rất vui vẻ và mọi việc vẫn đang được tiến hành. Rất nhiều người đã tới đây. Giá của chúng tôi cũng rất hợp lý, nên tôi không cho là tình hình kinh tế sẽ có ảnh hưởng”, bà cho biết.
Hà Thu