Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết một số quan chức nhận định cổ phiếu giảm sẽ chỉ có tác động hạn chế lên nền kinh tế lớn nhì thế giới, và chi phí hỗ trợ thị trường là quá cao. Trong khi đó, những người ủng hộ can thiệp thì khẳng định giá cổ phiếu giảm sẽ gây nguy hiểm đến hệ thống ngân hàng.
Shanghai Composite Index đã giảm 15% trong 2 ngày qua, khiến vốn hóa bốc hơi 4.500 tỷ USD từ giữa tháng 6. Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng cân bằng giữa cam kết nới lỏng kiểm soát thị trường và nhu cầu duy trì ổn định tài chính, khi nền kinh tế này tăng trưởng chậm nhất 25 năm.
Chứng khoán Trung Quốc đã giảm hơn 15% trong 2 ngày qua. Ảnh: Bloomberg |
“Sự can thiệp của Chính phủ đã giảm đáng kể. Có lẽ chiến dịch cải tổ theo hướng thị trường đang chi phối quyết định hiện tại của họ”, Michelle Leung – CEO Xingtai Capital nhận xét.
Từ tháng 11/2013, Trung Quốc đã cam kết để thị trường đóng vai trò chủ đạo trong việc ra các quyết định về kinh tế. Cam kết này đã được thử thách trong đợt lao dốc kỷ lục của chứng khoán nước này hồi tháng 7. Giới chức Trung Quốc khi ấy đã cho phép hơn 1.400 công ty ngừng giao dịch cùng lúc, cấm các cổ đông lớn bán cổ phần, ngừng cấp phép IPO mới và cho phép một cơ quan nhà nước sử dụng hơn 480 tỷ USD để mua vào cổ phiếu.
Sự can thiệp này đã khiến nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi Trung Quốc với tốc độ kỷ lục. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sau đó cũng phải thúc giục giới chức nước này thu hồi các biện pháp trên. Trung Quốc đang tìm cách đưa NDT vào rổ tiền tệ dự trữ của IMF. Giới phân tích cho rằng chính mục tiêu này đã thôi thúc Trung Quốc sau đó giảm can thiệp vào thị trường.
Hà Thu (theo Bloomberg)