Đi tìm nguyên nhân cho sự chao đảo này, bên cạnh động thái chờ đợi tăng lãi suất của Mỹ, lý do được đa phần giới phân tích nhắc tới là sự lo ngại của nhà đầu tư trước sức khỏe nền kinh tế lớn nhì thế giới – Trung Quốc. Nước này vừa trải qua một đợt phá giá nội tệ kỷ lục, trước khi công bố kết quả sản xuất yếu kém hôm qua.
Hậu quả của những diễn biến này là chứng khoán toàn cầu đã có tuần giảm kỷ lục. Tại phố Wall, chỉ số S&P 500 mất 5,7% trong tuần – mạnh nhất từ năm 2011. Trong khi đó, Nasdaq giảm 6,8% và bước vào vùng điều chỉnh. Dow Jones Industrial Avergae cũng mất 10% từ mức đỉnh đạt được hồi tháng 5. Còn hôm 20/8, cả S&P 500 và Dow Jones đều có phiên giảm mạnh nhất từ tháng 2.
Chịu áp lực bán lớn nhất lại là các cổ phiếu có mức tăng mạnh nhất từ đầu năm. Vốn hóa Netflix, Amazon, Facebook, Google và Apple đã mất tổng cộng 97 tỷ USD trong hai ngày nay.
Phố Wall đã có phiên giảm điểm mạnh nhất 4 năm. Ảnh: Reuters |
Michael Ingram – chiến lược gia tại BGC Partners nhận xét: “Thị trường sẽ chưa chạm đáy cho đến khi chúng ta có bức tranh rõ ràng hơn về tiền tệ Trung Quốc và lãi suất Mỹ. Giờ thì chưa có cái nào cả. Mà kể cả đến lúc đó, người ta lại thắc mắc về triển vọng tăng trưởng thôi. Nhà đầu tư hiện rất sợ hãi và lúng túng. Nếu đang đầu tư vào các thị trường chứng khoán mới nổi, anh đúng là gặp rắc rối to rồi”.
Tại châu Âu, Stoxx Europe 600 đã có tuần mất điểm mạnh nhất từ tháng 8/2011. So với đỉnh đạt được hồi tháng 4, chỉ số này đã mất 13%, chính thức bước vào đợt điều chỉnh.
Đây cũng là tình trạng chung của các thị trường chứng khoán lớn trong khu vực. FTSE 100 của Anh đã ghi nhận tuần giảm mạnh nhất từ đầu năm với 5,2%. Chỉ số này đã giảm liên tục 9 phiên – dài nhất từ năm 2011. CAC 40 (Pháp) và DAX (Đức) cũng mất trung bình 3% hôm qua.
Châu Á là trung tâm của đợt biến động lần này với tuần giảm điểm mạnh nhất 4 năm. Chỉ số MSCI Châu Á – Thái Bình Dương đóng cửa với mức giảm 5,1% trong tuần. Shanghai Composite (Trung Quốc) hôm qua mất 4,3%, kéo mức giảm cả tuần lên 10%, xóa sạch mọi nỗ lực cứu vãn của Chính phủ từ cuối tháng 7. Hang Seng Index trên sàn Hong Kong giảm 6,6%. Thị trường các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Singapore hay Việt Nam cũng đồng loạt đi xuống.
Với tin tức từ Trung Quốc, áp lực lên thị trường hàng hóa dường như chưa bao giờ kết thúc kể từ sau khủng hoảng tài chính. Chỉ số Bloomberg Commodity Index đã xuống thấp nhất 13 năm, khi cả dầu thô, đồng, nickel, kẽm, nhôm, thiếc và chì đều mất giá.
Giá dầu thô hôm qua đã lần đầu tiên xuống dưới 40 USD từ tháng 3/2009, do tín hiệu dư cung từ Mỹ và nhu cầu yếu từ Trung Quốc. Dầu thô Mỹ – WTI chốt phiên tại 40,45 USD một thùng, nhưng có lúc xuống 39,86 USD. Một năm trước, giá này còn là 100 USD. Trong khi đó, dầu Brent hiện giao dịch tại 45,46 USD một thùng và có thể cũng lần đầu xuống dưới 45 USD trong 6 năm.
Dầu thô là xương sống của rất nhiều nước đang phát triển trên thế giới. Vì vậy, giá giảm liên tục 8 tuần đã khiến các nước này lao đao, trong bối cảnh tiền tệ mất giá vì động thái của Trung Quốc. Đồng real Brazil đã yếu đi 9% so với USD trong 4 tuần qua. Nội tệ Colombia, Chile, Việt Nam and Indonesia cũng đang đi xuống.
Chỉ số MSCI EM Currency – theo dõi tiền tệ các nước mới nổi đang ở đáy 5 năm. |
Trên Bloomberg, một nhà đầu tư tiền tệ đã gọi đây là “cuộc đua tới đáy”. Đầu tiên là Trung Quốc phá giá nội tệ, sau đó đến Kazakhstan thả nổi tiền tệ. Những việc này càng khiến tiền tệ các nước mới nổi lao dốc. Ringgit Malaysia đang ở đáy 17 năm so với USD và là đồng tiền tệ nhì trong nhóm nước đang phát triển, sau rouble Nga. Trong khi đó, peso Colombia đã xuống thấp kỷ lục so với đồng bạc xanh.
“Có vẻ chúng ta đang nhìn thấy nguy cơ khủng hoảng châu Á 1997, khi tiền tệ các nước mới nổi lao dốc. Ảnh hưởng từ động thái của Trung Quốc lên các nước khác là rất lớn, và việc nước này tăng trưởng chậm lại sẽ còn gây tác động thêm vài tháng nữa. FED cũng sắp tăng lãi suất nữa. Và khi việc này thành hiện thực, nó sẽ gây ra thảm họa”, Nicholas Teo – chiến lược gia tại CMC Markets nhận xét.
Giá vàng có tuần tăng mạnh nhất 7 tháng nhờ nhu cầu trú ẩn của nhà đầu tư. |
Ngược lại, thị trường vàng lại trở thành điểm sáng hiếm hoi với tuần tăng mạnh nhất từ tháng một. Bất ổn về Trung Quốc và về khả năng FED nâng lãi suất đã khiến nhà đầu tư đổ xô đến các công cụ trú ẩn như vàng, đồng yen và trái phiếu. Phiên tăng thứ 3 liên tiếp đã kéo giá lên đỉnh 6 tuần tại 1.160 USD một ounce. Trong khi đó, yen Nhật lên cao nhất từ đầu năm so với USD, tại 122 yen đổi một USD. Lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng hấp dẫn nhà đầu tư với tuần tăng mạnh nhất 3 tháng.
Trên BBC, Nicholas Teo cảnh báo kinh tế Trung Quốc chậm lại sẽ xóa sổ hy vọng cho đà phục hồi toàn cầu. “Trung Quốc ngày nay không còn là công xưởng thế giới nữa. Họ là thị trường tiêu thụ quan trọng cho các sản phẩm và dịch vụ toàn cầu. Rất nhiều công ty và ngành công nghiệp phụ thuộc vào người tiêu dùng Trung Quốc và đang gặp bất lợi. Khi Trung Quốc hắt hơi, cả thế giới có thể cảm cúm”, ông nói.
Nhà kinh tế học khu vực Trung Quốc tại HSBC – Julia Wang cũng cho rằng kinh tế thế giới có thể mất đà phục hồi. Và các nước cần “nhiều biện pháp nới lỏng hơn, cả tiền tệ và tài khóa”.
Dù vậy, một số chuyên gia lại nhận định thị trường đang phản ứng quá đà với các sự kiện gần đây. Shane Oliver – kinh tế trưởng tại AMP Capital cho rằng thị trường hiện tại “chỉ đang điều chỉnh”. Và các nước mới nổi “rõ ràng mạnh hơn nhiều năm 1997-1998, với cán cân vãng lai tốt và dự trữ ngoại hối khổng lồ”.
Hà Thu(tổng hợp)