Trong số này, phần chi phí xây dựng công trình nhà máy thủy điện vẫn giữ nguyên, ở mức 34.867 tỷ đồng. Trong khi các công trình giao thông lại tiết giảm được 662 tỷ, còn gần 4.400 tỷ. Tuy nhiên, hạng mục di dân tái định cư lại tăng đến 6.163 tỷ đồng khiến chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng, định canh định cư ngốn gần 26.500 tỷ đồng.
Cụ thể, phần kinh phí này của tỉnh Sơn La là trên 16.300 tỷ, trong khi hơn 3 năm trước được duyệt chỉ khoảng 11.100 tỷ. Tỉnh Điện Biên đã tăng từ 6.000 tỷ lên 6.700 tỷ, còn Lai Châu tăng khoảng 300 tỷ, lên mức 3.430 tỷ đồng.
Dù mức đầu tư tăng hơn 5.500 tỷ nhưng với giá bán điện 850 đồng mỗi kWh, thủy điện Sơn La sẽ vẫn hiệu quả. |
EVN cho biết nếu được phê duyệt điều chỉnh tăng 5.500 tỷ thì tổng mức đầu tư mới của dự án tăng lên 9,1%, song tư vấn tính toán dự án này vẫn đảm bảo hiệu quả. Theo đó, với giá bán điện 850 đồng mỗi kWh thì chỉ số nội hoàn tài chính (FIRR) là 13,27%. Khi đó dự án mất 16 năm để hoàn vốn.
Tại quyết định của Thủ tướng năm 2012 về việc tạm phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh thì dự án Thủy điện Sơn La có chi phí gần 60.200 tỷ, trong đó vốn ngân sách gần 16.900 tỷ đồng, chủ yếu phục vụ di dân tái định cư, giao cho các địa phương thực hiện.
Còn lại hơn 43.000 tỷ là vốn EVN để xây dựng nhà máy thủy điện (hơn 34.800 tỷ) và một phần cho giải phóng mặt bằng.
Thủy điện Sơn La được khởi công năm 2005, hoàn thành năm 2012, vượt kế hoạch 3 năm. Tổng công suất dự án này là 2.400MW (6 tổ máy). Hàng năm công trình này góp hơn 10 tỷ kWh, chiếm gần 10% sản lượng điện bình quân hàng năm.
Chí Hiếu