Thời trang Việt chinh phục thị trường Nga

Tham gia hội chợ “Hàng Việt Nam chất lượng cao Matxcova 2015” đang diễn ra tại Liên bang Nga, Công ty may Phong Phú (TP HCM) giới thiệu hai nhóm sản phẩm gồm: khăn bông, chăn crap, gối và quần áo jean, cotton,

Trao đổi với VnExpress, đại diện công ty – ông Vũ Quang Anh cho biết việc tiêu thụ hàng khá tốt. Sau hội chợ, doanh nghiệp đã tính đến việc thuê mặt bằng tại Incentra để làm showroom đầu tiên cho nhãn hàng tại Nga.

Theo ông Anh, hiện thuế nhập khẩu vào Nga được tính theo cân nặng nên hàng dệt may sản xuất tại Việt Nam chưa có nhiều lợi thế so với nhiều nước khác. Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam sẽ hoàn toàn khác sau khi thuế giảm còn 0% vào đầu năm 2016.

Ngoài ra, người tiêu dùng Nga không quá khó tính, chuộng thương hiệu quốc tế bình dân hơn hàng xa xỉ, nhất là các sản phẩm chất lượng tốt với giá hợp lý. “Từ mức hơn 30%, thuế nhập khẩu sẽ giảm về 0%, nên hàng dệt may, nhất hàng ‘made in Vietnam’ hoàn toàn có thể đáp ứng các yêu cầu của thị trường“, ông nói.

thoi-trang-viet-chinh-phuc-thi-truong-nga

Không ít nhãn hàng thời trang Việt quyết định mở showroom tại Nga để chiếm lĩnh thị trường.

Hiện doanh nghiệp này đang có một đối tác Nga làm đại diện thương hiệu tại Matxcova, nên kỳ vọng việc thâm nhập được vào hệ thống phân phối tại thị trường này không quá xa vời. “Đúng là có khó khăn về mức thuế phí nhưng doanh nghiệp chấp nhận để chờ đợi thời điểm sau khi FTA Á – Âu chính thức có hiệu lực vào năm sau”, lãnh đạo Công ty Phong Phú bày tỏ.

Công ty Minh Quang với chuỗi cửa hàng thời trang xuất khẩu M2 lại muốn tiếp cận thị trường Nga bằng cách thiết kế lại số đo phù hợp với người bản địa. Đại diện công ty – ông Nguyễn Hải Đường cũng không giấu diếm tham vọng sẽ phát triển chuỗi hệ thống tại đây trong thời gian tới.

 thời điểm này tình hình kinh tế, chi tiêu của người dân Nga có thay đổi so với trước, song ông cho biết công ty đã có dự tính riêng cho các nhãn hàng “made in Vietnam” tại đây. “Nhiều người lo ngại thời điểm này sang Nga là hơi mạo hiểm, nhưng doanh nghiệp đã tính toán để quyết ‘tấn công’ thị trường. Trước mắt công ty sẽ thuê mặt bằng để chính thức mở cửa hàng tại Matxcova”, ông Đường cho hay.

Trước thời điểm diễn ra Hội chợ, Tổng công ty Nhà Bè đã đánh giá cao về tiềm năng của Nga – thị trường lần đầu tiên doanh nghiệp tiếp cận. Theo bà Lê Thị Hà Chi, Giám đốc thương hiệu Novelty, dù sức tiêu thụ nhiều sản phẩm trong sự kiện không quá đột biến, song công ty cũng xác định Nga sẽ là thị trường có tăng trưởng tốt trong thời gian tới ngoài 3 thị trường chính của doanh nghiệp là Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.

Bà cho biết quyết định kinh doanh lâu dài tại Nga cần thời gian để tính toán, song tới đây việc việc duy trì showroom trong một năm sẽ giúp doanh nghiệp có định hướng chuẩn xác nhất việc nên hay không nên kinh doanh tại thị trường mới.

Theo Công ty Incentra, trong tổng số 164 đơn vị tham gia Hội chợ bán hàng chất lượng cao Matxcova năm nay có hơn 30 doanh nghiệp dệt may. Hiện có 12 thương hiệu thời trang quyết định thuê mặt bằng để kinh doanh lâu dài tại Nga. Số còn lại đã tìm được đối tác và ký gửi hàng vào Viet House nhằm thăm dò nhu cầu người tiêu dùng.

“Việc nhiều đơn vị dệt may bán hết hàng ngay trong ngày đầu tiên của Hội chợ cho thấy sức tiêu thụ của thị trường này đối với các sản phẩm may mặc là rất lớn. Trong đó, nhãn hàng thời trang sẽ là lợi thế của Việt Nam trong thời gian không xa”, lãnh đạo Incentra cho biết.

Nhiều doanh nghiệp có kinh nghiệm ở thị trường Nga nhận định khi FTA có hiệu lực, kỳ vọng có những đơn hàng lớn ngay lập tức là điều khó xảy ra. Tuy nhiên, khi đơn giản hóa các thủ tục hải quan cũng như giảm thuế suất nhập khẩu về 0% sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may tiếp cận thị trường nhanh chóng, đồng thời giá thành sản phẩm cạnh tranh hơn.

Hiện riêng ngành hàng dệt may, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang Nga khoảng 320 triệu USD. Khi FTA có hiệu lực, khả năng kim ngạch đạt khoảng hơn 1 tỷ USD.

Riêng nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang thị trường này ước đạt 120 triệu USD, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ2014. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn so với thị trường Mỹ (5,18 tỷ USD), Nhật Bản (1,3 tỷ USD), Hàn Quốc (948 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu bao gồm áo khoác ngoài (jackets), quần áo trẻ em, áo sơ mi, áo thun, quần tây, quần ngắn, váy…

Trịnh Nguyên

0913.756.339