Có mặt từ năm 2005, USG Boral Gypsum Việt Nam là tập đoàn nước ngoài đầu tiên xây dựng nhà máy sản xuất tấm thạch cao tại Việt Nam. Ông Trần Thanh Sang – Tổng giám đốc Công ty TNHH USG Boral Gypsum Việt Nam chia sẻ về những sản phẩm và giải pháp mà USG Boral phát triển, hứa hẹn mang lại sự chuyển đổi tích cực cho ngành xây dựng trong thời gian tới.
Ông Trần Thanh Sang – Tổng giám đốc Công ty TNHH USG Boral Gypsum Việt Nam. |
– Tại sao thị trường xây dựng Việt Nam vẫn chưa mặn mà với sản phẩm trần và vách thạch cao thưa ông?
– Dù phổ biến ở các nước phát triển nhưng sản phẩm trần và vách thạch cao tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu. Ở một đất nước đang trong quá trình phát triển như Việt Nam thì đó là thị trường cực kỳ tiềm năng. Với có dân số hơn 90 triệu người nhưng tỷ lệ tiêu thụ thạch cao bình quân đầu người còn thấp (0,5m2 trên một người), so với các thị trường xung quanh như Thái Lan (1,5m2), Hàn Quốc (5m2) và ở Mỹ (8m2). Điều này chứng tỏ thị trường sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
– Sản phẩm này có những ưu điểm và ứng dụng ra sao trong ngành xây dựng?
– Những tính năng và tiện ích của tấm thạch cao mang lại cho người sử dụng và xu hướng sử dụng thạch cao trong trang trí nội thất ngày càng nhiều. Đa số khi nhắc đến tấm thạch cao, người ta chỉ hình dung đến trần trang trí, nhưng thực tế ứng dụng của sản phẩm này rất đa dạng. Điển hình là USG Boral mang đến những sản phẩm và giải pháp đa dạng, được ứng dụng trong các công trình xây dựng như cách nhiệt, chống cháy, chống mốc, cách âm, tiêu âm, chống ẩm…Ngoài ra, an toàn và thẩm mỹ của giải pháp thạch cao trong trang trí nội thất hiện đại là những điều chưa được phổ biến rộng rãi.
Về chi phí, giá nhân công xây dựng và gạch nung có xu hướng tăng nhanh. Như vậy, các công ty xây dựng hay chủ đầu tư sẽ phải tính toán để chọn giải pháp nào tiết kiệm nhất về chi phí và thời gian thi công. Khi đó, tấm thạch cao sẽ là lựa chọn tốt. Xu hướng này đã xảy ra ở các nước trong khu vực và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Hơn nữa, Chính phủ khuyến khích sử dụng vật liệu nhẹ, vật liệu không nung thân thiện với môi trường vào các công trình cao tầng. Tôi tin tường thạch cao sẽ thay thế dần tường gạch vì các ưu điểm như xây dựng nhanh hơn, nhẹ hơn nên chi phí làm nền móng ít hơn, sửa chữa sau này dễ dàng hơn.
– USG Boral vừa đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất mới với công nghệ Mỹ hiện đại và công suất lớn. Tập đoàn đang kỳ vọng điều gì vào thị trường Việt Nam?
– Việt Nam là thị trường quan trọng của USG Boral và đây là một phần trong kế hoạch mở rộng kinh doanh của USG Boral tại Việt Nam. Ngoài đầu tư vào công nghệ sản xuất để cung cấp cho thị trường những sản phẩm và giải pháp tiên tiến nhất, chúng tôi còn đầu tư vào đào tạo con người, xây dựng thương hiệu và cải thiện hệ thống phân phối.
Nhà máy USG Boral tại VIệt Nam. |
Chúng tôi vừa giới thiệu ra thị trường sản phẩm cao cấp Sheetrock được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại này. Tấm Sheetrock với đặc tính đanh không võng nên cho phép thợ thi công đi bước khung xương từ 403mm hiện nay lên 605mm. Điều này giúp thi công nhanh hơn, hiệu quả hơn và tiết kiệm tổng chi phí lên đến 10% .
Trước đó vào năm 2010, tập đoàn đã giới thiệu Sheetrock ở Bắc Mỹ và cho đến nay, tỷ lệ chuyển đổi từ tấm chuẩn sang tấm cao cấp Sheetrock là trên 90%, hay ở Indonesia tỷ lệ chuyển đổi này là 100% sau hơn một năm giới thiệu ra thị trường.
Hiện tấm thạch cao Sheetrock đã tiêu thụ hơn 725 triệu m2 trên toàn cầu, nhiều công trình nổi tiếng thế giới đã sử dụng vật liệu này như tòa nhà cao nhất thế giới Buji Khalifa (Dubai), Trung tâm Thương mại Thế giới – World Trade Center (Mỹ)…
– Ông đánh giá doanh thu, lợi nhuận sẽ phát triển thế nào trong thời gian tới?
– Tập đoàn USG Boral luôn đặt mục tiêu là dẫn đầu thị trường bất kỳ nơi nào mình kinh doanh, nên Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Chúng tôi có những nguồn lực cần thiết như công nghệ, năng lực sản xuất, đội ngũ nhân sự…và chiến lược kinh doanh rõ ràng cho mục tiêu này.
Trong khảo sát của chúng tôi vừa qua, chỉ sau hơn 3 tuần ra mắt, tỷ lệ khách hàng Việt Nam chuyển đổi sang sử dụng tấm thạch cao Mỹ cao cấp Sheetrock là 35%. Hiện một số dự án lớn như khu đô thị Sala (quận 2, TP HCM) hay tòa nhà Helios Tower, Golden West (Hà Nội) quyết định chuyển sang sử dụng Sheetrock thay cho tấm thạch cao thông thường. Nếu thị trường phát triển theo xu thế thì 5 năm tới, khả năng chúng tôi sẽ đầu tư tiếp nhà máy thứ hai tại Việt Nam là rất lớn.
Minh Trí