Theo đơn kiện của Malaysia, tổng khối lượng nhập khẩu thép không gỉ cán nguội từ Việt Nam khoảng 3.583 tấn, chiếm khoảng 2.8% thị phần nhập khẩu. Biên độ phá giá bị cáo buộc của các sản phẩm thép không gỉ cán nguội là 27%.
Cục quản lý cạnh tranh cho biết mặc dù lượng xuất khẩu từ Việt Nam, Indonesia và Pháp dưới 3% nhưng tổng lượng xuất khẩu là 8,46%, do đó 3 quốc gia vẫn thuộc diện bị điều tra. Theo đó, các doanh nghiệp có xuất khẩu mặt hàng thép sẽ phải trả lời bảng câu hỏi điều tra của cơ quan quản lý của Malaysia trước ngày 28/5.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Việt Nam chính thức áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội, ở dạng cuộn hoặc tấm nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan với thuế suất cao nhất là 37%.
Các sản phẩm bị áp dụng chống phá giá gồm thép không gỉ cán nguội, ở dạng cuộn hoặc tấm với độ dày nhỏ hơn hoặc bằng 3,5mm, được ủ hoặc được xử lý nhiệt bằng phương pháp khác và ngâm hoặc được cạo gỉ để loại bỏ tạp chất dư thừa trên bề mặt của thép không gỉ.
Theo đó, doanh nghiệp Đài Loan bị đánh thuế cao nhất, mức thuế áp cho Yuan Long Stainless Steel Corp lên tới 37,29%. Đối với Trung Quốc, mức thuế chống bán phá giá dao động từ 4,64 đến 6,87%, Indonesia là 3,07% và Malaysia 10,71%.
Theo Cục quản lý cạnh tranh, thời gian qua, thép là sản phẩm bị điều tra chống phá giá nhiều nhất chiếm tới 29% tổng số vụ là do nhóm hàng này phong phú về chủng loại sản phẩm.
Mặt khác, thép là mặt hàng có tầm quan trọng đối với nền kinh tế nên hầu hết các đối tượng bị điều tra đều là các sản phẩm xây dựng, có giá trị lớn. Do đó, khi có dấu hiệu về hành vi bán phá giá, các doanh nghiệp sản xuất và cơ quan có thẩm quyền sẽ nhanh chóng phát hiện và tiến hành điều tra.
Trịnh Nguyên