Thanh toán thẻ – muốn dùng cũng khó

“Cô bán hàng nói tôi đi rút tiền rồi quay lại lấy đồ. Nhưng ATM gần đó không có nên đành thôi”, chị Linh kể.

Cửa hàng chị Linh mua đồ nằm ở quận Tây Hồ (Hà Nội), khu vực đông khách nước ngoài sinh sống. Chủ shop lý giải mới mở được hơn một năm nay, phải bán giá thấp hơn các cửa hàng khác để thu hút khách. Mỗi món đồ, cửa hàng lãi chừng 5%, nếu cho khách thanh toán bằng thẻ sẽ phải trả phí cho tổ chức thẻ 2-3% trên mỗi đơn hàng thì không còn nhiều lợi nhuận.

Chị Thanh Hiền (ở Kim Mã Thượng, Hà Nội) cũng không ít lần bị từ chối dù cửa hàng có treo biển chấp nhận thanh toán thẻ. “Vừa rồi tôi mua hàng tại tiệm quần áo khi thanh toán thẻ thu ngân nói có vấn đề không cà được, tôi đành bỏ bớt đồ để đủ số tiền mặt có trong ví, nhưng sau đó khi đi ăn, tôi thử lại, thẻ hoạt động tốt. Hoá ra nhiều cửa hàng vẫn thích sử dụng tiền mặt nên không muốn thanh toán qua thẻ tín dụng”, chị than phiền. Một số cửa hàng khác cũng nói thẳng với chị Hiền do doanh thu không ổn định, mỗi ngày chi 1,5-2% cho phí cà thẻ thì chỉ còn cách tính thêm vào giá bán.

Khi mua xe máy tại một đại lý anh Long (quận Bình Thạnh, TP HCM) rút thẻ để thanh toán nhưng nhân viên cho biết anh phải chịu thêm phí 1,5%. Nhân viên khẳng định đó là quy định của cửa hàng, nếu không chấp nhận khách hàng có thể thanh toán bằng tiền mặt. Bức xúc anh liên hệ với phía ngân hàng để phản ánh.

“Sau một hồi trao đổi, phía ngân hàng cũng không thể đưa ra giải pháp giúp mình. Cho nên tốt nhất tôi cứ giữ thói quen cầm tiền mặt cho đỡ phiền phức”, anh bức xúc.

Chị Linh, chị Hiền hay anh Long chỉ là hai trong rất nhiều khách hàng cảm thấy không hài lòng khi nhiều cửa hàng không mặn mà, thậm chí lợi dụng việc thanh toán hóa đơn bằng thẻ tín dụng thời gian qua.

Theo anh Hưng-chủ một cửa hàng điện máy (Hai Bà Trưng, Hà Nội), thực tế chỉ có một vài ngân hàng quy mô lớn bỏ mức phí giao dịch, không ít ngân hàng nhỏ vẫn duy trì. Dù luôn có 4 máy chấp nhận thẻ (POS) để cho khách lựa chọn, song anh cho biết tỷ lệ khách hàng thanh toán thẻ tại cửa hàng không nhiều và anh cũng khuyến nghị khách hàng nên sử dụng tiền mặt.

thanh-toan-the-muon-dung-cung-kho

Các cửa hàng tính thẳng phí giao dịch thẻ tín dụng vào luôn giá bán sản phẩm nên gần như các ngân hàng không thể xử lý. Ảnh: T.L

“Bán một laptop được hãng chiết khấu 1,5-2%. Nhưng nếu so với mức phí thẻ Master hay Visa từ 2-3% gần như mất lợi nhuận.Chưa tính sau khi thanh toán, mất vài ngày tiền mới vào tài khoản”, anh nói và cho rằng chỉ có một số cửa hàng chuyên về ăn uống, thời trang hàng hiệu doanh thu cả trăm triệu mỗi ngày thì họ sẵn sàng không tính phí cho khách.

Chủ một đại lý vé máy bay trên đường Cát Linh (Đống Đa) cho biết với mỗi vé Hà Nội- TP HCM cửa hàng được khoảng 50.000 đồng. Nhưng mỗi một lần cà thẻ đồng nghĩa đại lý bù lỗ hơn 10.000 đồng cho ngân hàng. “Giá niêm yết của hãng, đại lý cũng có cách để tính thêm, nhưng làm như thế chẳng khác gì doanh nghiệp tự hại mình”, vị này bày tỏ.

Theo chị để việc thanh toán thẻ thực sự công bằng, cơ quan quản lý nên giới hạn giá trị hóa đơn bắt buộc cho thanh toán thẻ. Khi đó cửa hàng dù muốn hay không cũng phải chấp nhận thẻ. Một khi quyền lợi các cửa hàng như nhau thì nơi nào tính phí sẽ tự đánh mất khách hàng. Nếu cứ tình trạng không giám sát chặt chẽ như hiện nay thì không chỉ các đơn vị bán hàng mà ngay cả người dân không ai muốn sử dụng hình thức thanh toán thẻ.

Một lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) cho biết hiện để thu hút khách hàng thanh toán qua thẻ, nhiều nhà băng không thu phí người dùng mà chỉ thu đối với đơn vị kinh doanh chấp nhận thẻ (thông thường 1,5-2% trên mỗi giao dịch).Tỷ lệ lắp đặt các máy POS thời gian qua vẫn tăng dần đều, kèm theo đó, số lượng giao dịch cũng tăng khả quan.

Ông này cho biết, với những nơi kinh doanh có khả năng sinh lời tương đối tốt như nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại… họ đều không thu phí của khách. Còn lại, những đơn vị kinh doanh các mặt hàng mà giá bán ra trên thị trường đều tương đương nhau, tức mức sinh lời không cao thì họ thu phí của khách hàng để bù đắp phí đóng cho ngân hàng.

“Điều này là hoàn toàn sai nhưng rất khó xử lý”, ông nói. Bởi họ lách bằng cách ghi thẳng giá tiền vào hóa đơn nên ngân hàng không có căn cứ để phạt. Trường hợp phát hiện sai phạm thì chỉ có cách duy nhất là thu hồi máy POS. Song theo ông, việc này như bắt cóc bỏ đĩa, ngân hàng này phạt thì sẽ có đơn vị khác lắp đặt máy thay thế ngay.

Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo của Sacombank  khẳng định không chỉ không thu phí người dùng, thậm chí, ngân hàng còn liên kết với các đơn vị chấp nhận thẻ đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, giảm giá khi mua hàng bằng thẻ, hoặc được chiết khấu 3-5% trên hóa đơn…Các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ cam kết không  thu bất cứ khoản phụ phí nào với khách hàng khi sử dụng thẻ, dù là ATM hay tín dụng.

Ông cho biết nếu các chủ thẻ bị yêu cầu trả phí khi thanh toán và chứng minh được việc bị thu phí ngoài này, có thể phản ánh với ngân hàng. Từ đó, nhà băng cũng như tổ chức chấp nhận thanh toán như Visa hay MasterCard sẽ có biện pháp chế tài, như buộc đơn vị chấp nhận thẻ hoàn trả lại tiền cho khách. Đồng thời, điểm chấp nhận thẻ này sẽ bị đưa vào danh sách đen, nếu tiếp tục tái phạm có thể bị ngưng cung cấp dịch vụ.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung quy định “xử phạt từ 30- 50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm phân biệt giá trong thanh toán thẻ, thu phụ phí từ chủ thẻ đối với các giao dịch thanh toán không đúng quy định pháp luật” vào Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Theo đánh giá, đây là một trong số các giải pháp thể hiện quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước trong việc thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam.

Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều ngân hàng thừa nhận phía đơn vị phát hành thẻ không thể bỏ việc thu phí đối với điểm chấp nhận thẻ mà chỉ có thể điều tiết giảm ở mức cho phép. Vì đó là nguồn thu duy nhất để duy trì hoạt động thẻ . “Để người dân mặn mà với thanh toán thẻ, Nhà nước có thể giảm thuế VAT khi họ mua hàng cũng là một trong những cách khuyến khích”, một lãnh đạo đề xuất.

Theo một chuyên gia kinh tế, vấn đề là bản thân các cửa hàng, đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ chưa thực sự hiểu những thuận lợi từ việc thanh toán không tiền mặt. “Người dân nên từ chối không mua hàng tại những đơn vị thu phí dịch vụ. Điều này sẽ khiến các cửa hàng, đại lý tự hiểu họ đang tự hại chính mình”, ông nói. 

Ngoài ra, để chấn chỉnh tình trạng vi phạm trong việc thu phí “vô tội vạ”, ông cho rằng cơ quan quản lý nên yêu cầu các ngân hàng phát hành xử lý mạnh tay hơn với hệ thống các đơn vị sử dụng dịch vụ thanh toán thẻ vi phạm cam kết.

Hiện có khoảng 180.000 POS được lắp đặt trên cả nước, tăng hơn 13 lần so với năm 2006. Lượng thẻ thanh toán còn tăng với tốc độ lớn hơn, trên 80 lần, vượt 80 triệu thẻ tính tới cuối năm ngoái. Trong khi đó, lượng ATM hiện vào khoảng 17.000.

Tuy nhiên, phần lớn giao dịch thẻ đều là rút tiền mặt. Doanh số thanh toán qua POS năm 2014 đạt khoảng 106 nghìn tỷ đồng, bằng một phần mười số tiền mặt rút tại ATM.

Thành Tâm – Lệ Chi

0913.756.339