Taxi, xe khách cam kết giảm giá cước theo xăng

Tính từ đầu năm đến nay xăng dầu đã giảm giá 4 lần liên tiếp kéo RON 92 từ 16.030 đồng về mức 13.752 đồng một lít. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, xăng giảm tổng cộng 2.278 đồng một lít – mức giảm ấn tượng trong kỳ đầu năm. Điều này đã buộc các doanh nghiệp vận tải, hãng taxi rục rịch lên kế hoạch giảm giá cước.

Ông Phạm Minh Sương – Giám đốc khối vận hành Tập đoàn Mai Linh cho biết, trong đợt giá xăng giảm hồi tháng 1, hãng cũng đã điều chỉnh giá cước taxi Mai Linh từ 300 đến 500 đồng một km. Với đợt giảm mới nhất ngày 18/2 của giá xăng ở mức 1.000 đồng, hãng cũng sẽ tiếp tục điều chỉnh. Tuy nhiên, mức chỉnh đang được ban lãnh đạo công ty xem xét.

“Vì giá xăng mới bắt đầu giảm ngày hôm 18/2 nên chúng tôi sẽ có phương án điều chỉnh giá cước trong vài ngày tới. Mức điều chỉnh sẽ phụ thuộc vào mức giảm giá nguyên liệu và các chi phí vận hành khác”, ông Sương nói.

taxi-xe-khach-cam-ket-giam-gia-cuoc-theo-xang

Giá cước taxi sẽ giảm trong vài ngày tới. Ảnh: QH

Là đơn vị sở hữu khoảng 6.000 đầu xe, ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc thường trực Vinasun, kiêm Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM cho biết, ban lãnh đạo đơn vị đang ngồi lại để bàn về giá cước và cân nhắc điều chỉnh ở mức hợp lý. Mức giảm cụ thể sẽ đươc công bố vào tuần tới.

Riêng đối với các doanh nghiệp trong Hiệp hội taxi TP HCM cũng đang rà soát lại và tính toán mức giảm để trình lên Sở Tài chính TP HCM trong ngày thứ Hai tới.

Tại Hà Nội, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, ngay sau khi giá xăng dầu giảm hiệp hội đã đã kêu gọi gần 100 doanh nghiệp taxi ở Hà Nội lên phương án điều chỉnh giá cước.

“Trong khoảng 1-2 tuần tới, các doanh nghiệp ở Hà Nội sẽ đồng loạt giảm giá, mức giảm có thể là 300 đồng một km”, ông Bình nói và giải thích thêm, sở dĩ doanh nghiệp chưa thể điều chỉnh giá ngay tức khắc vì phải trải qua khá nhiều khâu như làm thủ tục đăng ký giảm giá cước, sau khi được chấp thuận thì phải in lại toàn bộ giá cước, điều chỉnh đồng hồ, kiểm định… Mỗi lần điều chỉnh giá cước doanh nghiệp cũng phải chịu tổn thất cao. Theo tính toán của hiệp hội, trung bình một xe mất 500.000 đồng cho mỗi lần điều chỉnh.

“Không những chịu thiệt thòi khi mỗi lần điều chỉnh giá cước mà giai đoạn trong Tết Nguyên đán 2016, để đảm bảo mức giá ổn định chúng tôi luôn bình ổn giá cước trong khi nhiều đơn vị trong nhóm taxi ‘kiểu mới’ (Uber, Grab taxi) tăng giá 30-40%”, ông Bình chia sẻ.

Bên cạnh việc các hãng taxi sẽ tiếp tục đồng loạt giảm giá cước thì các đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định trước đó cũng đã điều chỉnh theo giá dầu.

Ông Thượng Thanh Hải – Phó giám đốc Bến xe miền Đông cho biết, ngay sau khi  giá dầu giảm của chu kỳ trước đó thì hầu hết các đơn vị vận tải hành khách đã điều chỉnh giá vé 2-3%. Còn đợt giảm giá ngày 18/2 chỉ có giá xăng giảm nên không tác động nhiều tới đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định.

Ở bến xe miền Tây, ông Trần Văn Phương, Phó tổng giám đốc cho biết, bến xe có 130 doanh nghiệp vận tải, nhưng trong đó chỉ có 25 doanh nghiệp ở TP HCM và trước đó cũng đã giảm giá vé quanh mức 1-3%. Riêng các doanh nghiệp vận tải do các cơ quan địa phương quản lý thì việc điều chỉnh được cơ quan địa phương đó xem xét.

Chi sẻ với VnExpress, bà Nguyễn Mậu Phương Quỳnh, Phó ban Vật giá (Sở Tài chính TP HCM) cho biết, đợt giảm giá xăng dầu trước Tết Nguyên đán ngày 3/2, Sở đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô kê khai lại giá cước, nên đến nay trên địa bàn TP HCM đã có 30 đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định trên tổng số 49 doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý đã kê khai với mức giảm trung bình 3-5%. Trong số 14 hãng taxi thì có khoảng 9 đơn vị đã nộp bản kê khai lại giá cước, nhưng chỉ có 3 hãng giảm với mức giảm 1-2,4% và có 6 hãng giữ nguyên.

“Tuy nhiên, đến ngày 18/2 giá xăng tiếp tục giảm 1.000 đồng nên Sở Tài chính đã ngay lập tức gửi văn bản tới các hãng taxi yêu cầu cập nhật thêm mức giảm giá cước mới cho đợt tính toán gần nhất thì cũng đã có một doanh nghiệp báo cáo giảm 3-6%. Các doanh nghiệp còn lại sẽ phải nộp biểu giá cước kê khai mới cho Sở chậm nhất vào ngày 23/2. Nếu các doanh nghiệp không tuân thủ, cơ quan thanh tra sẽ đến doanh nghiệp kiểm tra và xử phạt theo quy định”, bà Quỳnh cho biết.

Theo tính toán của Ban Vật giá, đối với các xe chạy dầu tuyến cố định sẽ phải giảm giá cước ở mức 4,8%, còn xe sử dụng nhiên liệu xăng, giá cước chung cho 4 lần giảm vào khoảng 4,2%, tương đương 400-600 đồng một km.

Để buộc các doanh nghiệp vận tải phải giảm giá cước hợp lý ngay sau khi giá xăng dầu giảm mạnh, Bộ Tài chính cũng vừa có công văn đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải.

Theo đó, Bộ yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải rà soát lại giá nhiên liệu hiện nay so với giá nhiên liệu tính trong phương án giá cước đã kê khai liền kề trước để xây dựng phương án giá, kê khai lại giá cước vận tải phù hợp với biến động giảm giá nhiên liệu. Đồng thời, cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quản lý giá cước vận tải và kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Bộ cũng nhắc nhở, các Hiệp hội vận tải ôtô cần tuyên truyền, vận động đơn vị vận tải trên địa bàn thực hiện việc kê khai và niêm yết giá cước theo quy định. Cơ quan quản lý sẽ công khai các đơn vị không kê khai và giảm giá cước theo yêu cầu.

Thi Hà

0913.756.339