Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trả lương theo KPI

Việc trả lương theo kết quả công việc thực hiện (KPI – Key Perfomance Indicator) là hình thức không mới với khối tư nhân, nhưng gần đây mới được các Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước áp dụng. Đây cũng là chủ đề được thảo luận sôi nổi tại hội nghị Tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khối trung ương hôm nay (25/4).

Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) – Lê Anh Sơn là người nêu vấn đề khi cho rằng cơ chế lương thấp đang khiến doanh nghiệp đối mặt với chảy máu cán bộ nghiêm trọng. “Mức lương cao nhất với lãnh đạo là 36 triệu theo quy định hiện nay, khiến chúng tôi không thể trả lương cao cho người có năng lực. Nhiều cán bộ chủ chốt đang rời bỏ công ty khiến doanh nghiệp rất đau đầu”, ông nói.

Đai diện Vinalines cho hay trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn thì công tác cán bộ, chọn người tài càng phải được coi trọng để đưa doanh nghiệp vượt khó. Do đó, trong đề án phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2015-2020 vừa được xây dựng xong, Vinalines nhấn mạnh đến việc áp dụng tính lương cho người lao động theo KPI.

“Doanh nghiệp đang lựa chọn nhà thầu tư vấn để xây dựng hệ thống này. Khi công bố tính lương theo KPI, theo vị trí, năng lực và chất lượng thì ngay trong nội bộ Tổng công ty có rất nhiều phản ứng, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm”, CEO Vinalines quả quyết.

VNPT-1381-1403005070-5108-1429947115.jpg

VNPT là một trong số ít doanh nghiệp Nhà nước tiên phong áp dụng KPI trả lương cho người lao động.

Chia sẻ kinh nghiệm trong quản trị doanh nghiệp, Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) – Trần Mạnh Hùng cho biết một trong những lý do khiến quá trình tái cơ cấu của Tập đoàn có kết quả tốt là nhờ mạnh dạn áp dụng công cụ quản trị hiện đại. “KPI đã được chúng tôi áp dụng cho toàn bộ người lao động trong tất cả các khâu sản xuất kinh doanh”, ông Hùng thông tin.

Thứ trưởng Công thương Hoàng Quốc Vượng tỏ ra tâm đắc về việc áp dụng các bộ chỉ số quản trị này. Ông nói: “Tập đoàn Nhà nước cũng nên có KPI. Sắp tới doanh nghiệp ngành Công thương sẽ đi học hỏi kinh nghiệm của VNPT về vấn đề này để áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả công việc”.

Trong khi đó, Chủ tịch Tổng công ty Cà phê Việt Nam – Nguyễn Văn Hà chia sẻ từ 2013, doanh nghiệp đã áp dụng hình thức thuê giám đốc và thi tuyển các chức danh chủ chốt chứ không có chuyện “quy hoạch”. “Cán bộ quản lý của doanh nghiệp cũng được giao các chỉ tiêu kinh doanh và được Ban Kế toán tài chính theo dõi thường xuyên. Nếu một năm không đạt thì phải chấn chỉnh, thậm chí thi tuyển lại hoặc bị sa thải”, ông Hà cho biết.

Lãnh đạo này dẫn chứng nhiều công ty con nhờ áp dụng cách làm này mà kết quả kinh doanh khá lên như Vinacafe Đà Lạt, chi nhánh Nam Tây Nguyên hay trung tâm xuất nhập khẩu… Nhờ vậy, từ chỗ đứng trước nguy cơ phá sản vào năm 2013 với số nợ xấu hơn 1.000 tỷ đồng thì nay doanh nghiệp đã làm ăn khấm khá.

Ở hội nghị cùng chủ đề hồi năm ngoái, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV) – Trần Bắc Hà cũng từng than rằng lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước khó sống với mức lương 36 triệu mỗi tháng.

Còn tại hội nghị hôm nay, CEO Vinalines tiếp tục kiến nghị sửa đổi nghị định về tiền lương đối với lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước.

Theo Nghị định 50 và 51 của Chính phủ, thù lao cao nhất cho Chủ tịch Hội đồng thành viên một doanh nghiệp Nhà nước là 36 triệu đồng một tháng, tương đương 432 triệu đồng một năm. Trong trường hợp đơn vị làm ăn tốt, lãnh đạo có thể được thưởng thêm song tối đa không quá 1,5 lần mức lương nêu trên.

Ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng giao Bộ Lao động thương binh và Xã hội xem xét sửa đổi quy định này để lãnh đạo công ty Nhà nước sẽ được hưởng mức thù lao tương xứng với hiệu quả công việc.

Chí Hiếu

0913.756.339