Tăng trưởng kinh tế không còn phải đổi bằng lạm phát

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2015 bình quân tăng 0,63% so với năm trước – mức tăng thấp nhất trong 15 năm qua. Trước kết quả này, bà Vũ Thị Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) đã có những chia sẻ với báo chí xung quanh nguyên nhân của lạm phát thấp và tác động của điều này tới nền kinh tế.

– Bà bình luận thế nào về việc lạm phát năm nay chỉ ở mức 0,63%, thấp hơn nhiều giới hạn 5% của kế hoạch đề ra?

tang-truong-kinh-te-khong-con-phai-doi-bang-lam-phat

Bà Vũ Thị Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ thống kê Giá.

– Chỉ số giá tiêu dùng năm nay tăng thấp so với các năm trước chủ yếu do mặt bằng giá cả giảm dần. Chỉ số giá lương thực giảm hơn 1% do nguồn cung dồi dào và sự cạnh tranh với các nước đối thủ buộc giá trong nước phải giảm theo. Giá nhiên liệu giảm mạnh, đặc biệt giá dầu xuống mức thấp nhất trong 5 năm đã ảnh hưởng tích cực tới các nhóm hàng hóa trong rổ tính CPI. 

Mức độ điều chỉnh giá của nhóm hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế cũng thấp hơn so với năm trước. Năm 2015, giá dịch vụ y tế chỉ tác động đến CPI khoảng 0,07%, giá dịch vụ giáo dục là 0,12% và giá điện điều chỉnh tăng 7,5% cũng chỉ tác động đến CPI khoảng 0,19%. 

Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 về những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô cũng là yếu tố quan trọng để giữ lạm phát thấp trong những năm qua. Ngoài ra, hai năm gần đây, lạm phát thấp còn do người dân đã tính toán kỹ, cân nhắc hơn khi chi tiêu nên người cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng không tăng giá cao vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán hay các ngày lễ hội như những năm trước đây. 

– Có ý kiến cho rằng lạm phát thấp năm nay chưa thật sự bền vững bởi có thể do sức cầu của người tiêu dùng yếu, bà nghĩ sao?

– Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa vẫn đang tăng so với thời gian trước. Trong khi đó, lạm phát thấp năm nay hoàn toàn do yếu tố chi phí đẩy giảm, bao gồm giá hàng hóa năng lượng, lương thực, thực phẩm đi xuống.

Hiện nay, tôi chưa thấy một dấu hiệu gì phản ánh tiêu cực của việc lạm phát thấp mà chủ yếu là tích cực, bởi chi phí đầu vào giảm sẽ khiến sản xuất phát triển và người tiêu dùng được hưởng lợi hơn.

Giai đoạn trước đây, chúng ta thường là đi kiềm chế lạm phát, tức là lạm phát đã xảy ra rồi và đi chống, nhưng thời gian qua đã chuyển sang hướng điều hành mới là khi lạm phát chưa đến thì chúng ta đã có biện pháp để kiểm soát.

– Nhưng để một nền kinh tế tăng trưởng tốt cũng cần phải kèm theo một mức lạm pháp nhất định. Lạm phát năm nay thấp hơn nhiều mục tiêu Quốc hội đã đề ra đầu năm là 5%, điều này ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế?

– Lạm phát chỉ là một yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế, song có thể thấy năm nay lạm phát thấp nhưng tăng trưởng vẫn cao, có thể nói đạt mức cao nhất trong 5 năm gần đây. Điều này chứng minh chúng ta đã không phải đánh đổi việc giảm giá đồng tiền, tức là tăng giá để có sự phát triển mà vẫn giữ giá để đạt được tốc độ như ngày hôm nay. Đây là thành công lớn của nền kinh tế trong năm vừa qua, cho thấy những biện pháp kiểm soát đã phát huy kết quả.

Việc Chính phủ đề ra mục tiêu lạm phát trong kế hoạch phát triển kinh tế dựa trên rất nhiều yếu tố, căn cứ quan trọng, bao gồm tình hình lạm phát thực tế giai đoạn trước đó và trong chu kỳ. Trong giai đoạn 2011-2015, những năm đầu lạm phát lên rất cao, có năm lên hơn 18% và lịch sử cho thấy chu kỳ lạm phát cao sẽ kéo dài lâu hơn chu kỳ mức thấp. Vậy nên việc đặt mục tiêu 5% phản ánh sự thận trọng của nhà điều hành đối với mức tăng giá chung.

– Theo chu kỳ, giá cả thường tăng mạnh vào thời điểm sát Tết, bà nhận định thế nào về khả năng kiểm soát lạm phát những tháng tới?

– Thời điểm cuối năm, yếu tố tác động tác động nhiều nhất đến lạm phát là giá hàng lương thực, thực phẩm do nhu cầu lên cao vào dịp trước và sau Tết. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 cũng cho thấy nhóm hàng này có sự gia tăng so với tháng trước.

Tuy nhiên, các bộ ngành liên quan hiện đã có những chính sách để kiềm chế sự tăng giá đột biến trong những tháng cuối năm, như tích trữ hàng  hóa và phân bổ hàng hóa. Người tiêu dùng cũng chi tiêu khôn ngoan hơn, không dồn vào một thời điểm để mua hàng. Do đó, tôi tin có thể kiềm chế được việc tăng giá những tháng cuối năm.

– Bà dự báo gì về lạm phát năm 2016?

– Yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến CPI tăng trong năm 2016 là việc điều chỉnh giá các nhóm hàng dịch vụ công như giáo dục, y tế, dự báo có thể gây sức ép vào quý I/2016. Ngoài ra, giá điện có thể tăng tiếp trong thời gian tới, lương cơ sở tăng thêm 5% từ 1/5/2016 cũng tác động lên chỉ số giá tiêu dùng.

Ngược lại, giá dầu thô và nông sản giảm có thể khiến CPI giảm. Sản lượng dầu thô toàn cầu đang tăng, nhất là khi có thêm nguồn cung từ Mỹ và Iran.

Tuy nhiên, dữ liệu quá khứ cho thấy chu kỳ lạm phát cao thường duy trì dài hơn là chu kỳ lạm phát thấp, do đó Chính phủ vẫn cần những biện pháp điều hành gắt gao để tránh khả năng CPI năm tới tăng cao trở lại, vượt giới hạn 5%.

Phương Linh

0913.756.339