Thường dịp Tết Nguyên đán, giá cả thị trường lại tăng mạnh do nhu cầu tích trữ thực phẩm và làm cơm cúng của người dân. Tuy nhiên, năm nay dù đã 29 Tết nhưng giá cả tại nhiều tỉnh thành hầu như không biến động, chủ yếu do người dân vẫn thận trọng trong chi tiêu và thời tiết năm nay thuận lợi.
Tại Hà Nội, khảo sát một số chợ như Nghĩa Tân, Thành Công, Ngã Tư Sở, Kim Giang…, giá một số thực phẩm không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết như thịt gà, thịt lợn và thịt bò vẫn giữ giá, giá rau xanh thậm chí rẻ hơn ngày thường.
Chị Tâm – một tiểu thương bán gà tại chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) cho biết vào thời điểm này các năm trước hàng nhà chị bán rất chạy, năm ngoái bán hết khoảng 20 con trong một buổi sáng. Tuy nhiên, sang năm nay dù giá thịt gà chưa làm lông vẫn ở mức 100.000 – 150.000 đồng một kg tùy loại nhưng sức tiêu thụ vẫn chậm. “Buôn bán năm nay khó khăn hơn năm ngoái vì nhu cầu không cao, nhiều nhà mang gà từ quê lên, họ chỉ mang gà ra nhờ mình làm hộ”, chị than thở.
Tương tự, giá thịt bò thăn đứng ở mức 280.000 – 300.000 đồng một kg. Thịt lợn mông sấn từ 70.000 – 80.000 một kg.
Giá thủy sản nhích nhẹ so với ngày thường từ 20.000 – 30.000 đồng một kg, như cá quả ngày thường 130.000 đồng, đến 29 Tết tăng lên 150.000 một kg, giá tôm sú loại ngon lên khoảng 500.000 đồng một kg. Tuy nhiên sức mua rất thấp, các chủ hàng than ế.
“Giá cao không có nhiều hàng để lấy nhưng cũng chẳng ai mua. Cận Tết năm ngoái tôi phải bán cả ngày mới đủ hàng cho khách, năm nay chưa đến giữa buổi đã về rồi vì ế quá”, chị Nhung – chủ quầy hải sản chợ Quảng An (Tây Hồ) than thở.
Giá thực phẩm ngày Tết hầu như không biến động, ngoại trừ giá cau đang tăng mạnh tại các chợ Hà Nội. |
Hàng hóa bán chậm, một số tiểu thương lo ngại ế ẩm còn gọi điện trực tiếp cho khách quen để chào mua hàng. Chị Thanh (Nghi Tàm, Hà Nội) cho biết sáng nay đã nhận được nhiều cuộc điện thoại từ những người bán hàng quen mời mua hàng, nguyên nhân cũng chỉ vì họ vắng khách. Chủ cửa hàng bán thủy sản tại Kim Giang cho biết, đến 30 Tết hầu như không còn khách hàng mua tôm cá, với mỗi kg tôm giá hơn 300.000 đồng, bằng mọi cách chị phải bán hết chỗ hàng này trong hôm nay.
“Từ sáng mình cũng gọi cho một số chị em hay mua hàng hỏi xem họ có nhu cầu không, nếu khách yêu cầu chở đến tận nhà cũng sẵn sàng”, chị nói.
Trong khi đó, giá rau tại các chợ vẫn không tăng, thậm chí có nhiều loại rẻ hơn trước. Tại chợ Nghĩa Tân, những người bán mời mua su hào với giá 10.000 đồng 7 củ to, với củ nhỏ hơn, chừng này tiền mua được 10 củ. Cà chua cũng rẻ như ngày thường với 10.000 đồng một kg. Cà rốt 11.000 đồng mỗi kg.
Với các loại hoa quả cúng, giá chuối năm nay có phần hạ. Những nải chuối đẹp có giá đến 150.000 đồng một vài ngày trước đó, đến sáng 29 Tết hạ vài chục nghìn đồng, phổ biến còn 20.000 đến 70.000 đồng mỗi nải. Tuy nhiên, giá cau và phật thủ lại đặc biệt đắt đỏ. Tại chợ Thành Công (Ba Đình), một quả cau ngày thường chỉ khoảng 4.000 – 5.000 đồng thì sáng nay lên tới 20.000 – 25.000 đồng, cao hơn 4-5 lần. Phật thủ bình thường có giá khoảng 60.000 đồng một trái đẹp, thì nay có thể lên tới 200.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn Thành – Tổng giám đốc hệ thống cửa hàng hoa quả nhập khẩu Luôn Tươi Sạch cho biết ngoài chọn quả bày biện bàn thờ, hiện không ít người chọn mua một số quả để giải nhiệt, giải ngấy trong những ngày Tết. Theo đó bưởi, táo, nho, cam là những loại quả bán chạy nhất trong hôm nay, cũng chính vì vậy, giá các loại quả này tăng 20.000 – 50.000 đồng so với ngày thường, như cam canh có giá 90.000 đồng một kg, táo từ 75.000 – 200.000 đồng một kg tùy loại…
Trong khi đó, giá hoa tươi hầu ở các chợ đầu mối sáng nay cũng chỉ nhích nhẹ so với ngày thường. Một chủ quầy hoa trên chợ Quảng Bá cho biết năm nay lượng khách mua hoa rất chậm nên người bán không nói thách, nếu khách mặc cả nhưng thấy hợp lý cũng bán. Giá hoa ly tại chợ dao động từ 250.000 – 400.000 đồng một bó chục bông, tùy vào loại 3 tai, 5 tai hay 7 tai. Hoa hồng từ 60.000 – 80.000 đồng một bó 50 bông, hoa cúc 20.000 một chục và lay ơn 60.000 đồng một chục.
Trong các siêu thị, dòng người đi mua hàng không còn đông đúc do hầu hết các gia đình đã sắm sửa xong các thực phẩm, đồ dùng cần thiết. Theo một nhân viên bán hàng tại siêu thị BigC (Trần Duy Hưng), cao điểm của đợt bán hàng Tết năm nay tập trung vào ngày 27, 28 Tết, các quầy thanh toán phải hoạt động hết công suất và siêu thị cũng phải lấy hàng liên tục từ trong kho. Tuy nhiên, do đã tính toán trước nhu cầu, siêu thị không xảy ra tình trạng hết hàng, khan hiếm hàng và giá cả vẫn giữ ổn định.
Tại Thanh Hóa, các tiểu thương cũng nhận định năm nay sức mua vừa phải nên gần như giá cả không tăng nhiều. Giá các loại rau xanh như muống, mồng tơi, nấm tăng bình quân từ 1.000 – 2.000 đồng, dao động ở mức 3.500 – 12.000 đồng một mớ, túi. Trong khi đó, cà chua, cải bắp, xu hào, cà rốt… giá vẫn ổn định. Thịt gà, lợn bò tăng ở mức từ 10.000 – 15.000 đồng một kg.
Riêng hải sản biển tại khu vực Sầm Sơn mức tăng khá, có loại tăng 30.000 – 40.000 đồng một cân như tôm sú biển, mực câu hoặc ghẹ tùy trọng lượng. Giá tôm sú đang được bán với mức từ 200.000 – 400.000 đồng một kg tùy loại, ghẹ có giá từ 250.000 – 350.000 đồng một kg, giá cá thu từ 120.000-170.000 đồng một kg,…
Ở TP HCM, trưa 29 Tết, các chợ hoa cũng đua nhau giảm giá. Ngược lại, hoa quả cúng Tết tại các chợ truyền thống vẫn chưa hạ nhiệt và tiếp tục xu hướng tăng nhẹ so với cách đây vài ngày.
Tại chợ hoa Công viên 23 tháng 9, quận 1, hầu hết các nhà vườn đến từ miền Trung và miền Tây đều đã hạ giá hoa, cây kiểng Tết khá mạnh. Cụ thể, cúc đại đóa được nhà vườn Nha Trang bán 300.000-350.000 đồng một cặp trong khi ngày khai mạc giá chào đến 800.000 đồng một cặp. Vạn thọ từ Tiền Giang, Bến Tre lên Sài Gòn được một tuần, hôm nay cũng xả hàng 50.000 – 60.000 đồng một cặp, giảm một nửa so với ngày 23 tháng Chạp. Cúc mâm xôi Cái Mơn đã nở hoa vàng đều cũng giảm 40% so với ngày khai hội, chỉ còn 90.000-100.000 đồng một cặp.
Tại TP HCM, các chợ hoa đua nhau giảm giá. |
Riêng hoa đào đến 12 trưa 29 Tết đã được các thương lái miền Bắc hạ giá mạnh, thấp nhất chỉ còn 200.000 đồng một cây, kích cỡ trung bình. Những cây to được chào giá 800.000 đồng một chậu giảm 60-70% so với giá bán hôm đưa ông Công ông Táo (bị hét vài triệu đồng). “Còn bán nốt hôm nay, đến 12h trưa mai phải dọn vệ sinh rồi nên chúng tôi đại hạ giá”, một người buôn đào nói.
Khu vực bán mai của nông dân TP HCM cũng hạ giá 20-25% những cây mai kiểng cỡ nhỏ. Trong khi các cây mai to, tạo dáng bonsai, thế đẹp, được niêm yết 25-50 triệu đồng vẫn treo cao giá. Tuy nhiên, khi có khách đặt thuê mai chưng Tết, các nhà vườn Thủ Đức cũng sẵn sàng chào giá khá mềm, từ dăm ba triệu đến 5-7 triệu đồng một chậu tùy độ tuổi, số lượng nụ và thế cây mai.
Đối với thị trường hoa quả cúng, tại các chợ Thái Bình quận 1, Nguyễn Văn Trỗi quận 3 và Trần Hữu Trang quận Phú Nhuận, khách mua sắm không đông bằng ngày 28 Tết nhưng mặt bằng chung giá cả vẫn nhích nhẹ. Ngoại trừ dưa chưng Tết có dấu hiệu sụt giảm, còn 8.000-10.000 đồng một kg, các loại ngũ quả cúng bàn thờ ngày Tết đều đồng loạt tăng nhẹ 3.000-7.000 đồng một kg tùy loại.
Cụ thể, mãng cầu hàng tuyển lên tới 60.000-100.000 đồng một kg tùy kích cỡ, chênh lệch 10.000-20.000 đồng một kg so với 26 tháng Chạp. Mãng cầu gai 30.000 đồng một kg tăng 5.000-7.000 đồng một kg. Dừa cũng tăng giá 20-30%, được bán 13.000-14.000 đồng một trái. Bưởi 100.000-150.000 đồng một cặp còn đu đủ 20.000 – 25.000 đồng một kg tùy kích cỡ. Hoa ly (Đà Lạt) cúng Tết trưa nay cũng đã vọt lên 150.000-200.000 đồng một bình, tăng gấp đôi so với cách đây một tuần.
Các tiểu thương tại chợ truyền thống ở TP HCM cho biết, từ 30 Tết trở đi, tùy đặc thù nguồn hàng còn nhiều hay ít mà giá cả rau củ quả sẽ điều tiết tăng giảm. Tuy nhiên, xu hướng tăng sẽ lấn lướt cho đến khi các siêu thị hoạt động trở lại thì giá cũng sẽ dần bình ổn.
Nhóm phóng viên