Chia sẻ với VnEpress.net, giám đốc một công ty chứng khoán ở TP HCM nhận định, từ giữa năm 2014 đến nay các doanh nghiệp thủy sản đã có nhiều tín hiệu tích cực khi quay đầu tăng lãi mạnh trong 2014. Nhờ thế, nhóm ngành này càng có sự phân hóa rõ rệt khi mà các đại gia lớn ngày càng vươn dài cánh tay hơn khi gia tăng quy mô cả về dòng vốn lẫn thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ thì lợi nhuận ngày càng teo tóp, thị phần bị thu hẹp. Cũng chính vì thế, hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) trong ngành thủy sản sẽ diễn ra mạnh mẽ.
Gần đây nhất là việc Công ty cổ phần Hùng Vương (Mã CK: HVG) đã thông qua việc mua thêm cổ phần tại Công ty cổ phần Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Tắc Vân. Nghị quyết Hội đồng quản trị công ty cho biết, Hùng Vương sẽ mua thêm 3,19 triệu cổ phần công ty trên với mệnh giá 10.000 đồng một cổ phiếu. Sau giao dịch, Hùng Vương sẽ nâng tổng số cổ phần nắm giữ từ 885.970 lên 4,08 triệu cổ phiếu, chiếm 51% vốn điều lệ của Tắc Vân. Tắc Vân hiện nay có vốn điều lệ xấp xỉ 35,44 tỷ đồng. Công ty sẽ phát hành tăng vốn lên 80 tỷ đồng.
Thủy sản đang có nhiều chuyển biến mới. Ảnh: Vietfish. |
Không chỉ mua cổ phần ở Tắc Vân, Hùng Vương còn cho biết, sẽ tiến hành chào mua công khai 2,5 triệu cổ phiếu FMC của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao ta (Fimex) với giá chào mua mỗi cổ phần là 24.000 đồng. Nếu thành công, Hùng Vương sẽ tăng số cổ phần sở hữu từ 7,5 triệu cổ phiếu lên 10 triệu cổ phiếu, chiếm 50% cổ phần.
Trước đó, công ty này còn công bố đã mua xong 4 triệu cổ phiếu VTF của Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại đơn vị này lên 75,96%. Mới đây, để tiếp tục sở hữu lên đến 90,28% cổ phần, Hùng Vương đăng ký mua thêm 3,9 triệu cổ phiếu thông qua giao dịch thỏa thuận, dự kiến hoàn thành trong tháng 4.
Như vậy nếu hoàn tất các thương vụ trên, HVG sẽ tăng tỷ lệ sở hữu tại khá nhiều công ty, đồng thời hứa hẹn sẽ gia tăng đầu tư khi mà thời gian tới nhiều đơn vị quy mô nhỏ muốn bán toàn bộ vốn góp Nhà nước.
Trong lúc thủy sản Hùng Vương chi tiền mạnh để thâu tóm các doanh nghiệp nhỏ thì ông lớn Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú (Mã CK: MPC) lại lên kế hoạch tìm kiếm đối tác ngoại. Kế hoạch này đã được công ty rậm rịch suốt một năm qua.
Chia sẻ với VnExpress.net trước đó, Chủ tịch Lê Văn Quang cho biết họ đang đẩy mạnh “xe duyên” với một đối tác ngoại thông qua việc bán cổ phần. Theo đó, Minh Phú sẽ bán tối đa 39% cổ phần, ưu tiên cho đối tác chiến lược có lợi thế về sản xuất và xuất khẩu. Hiện, công ty này đã có hàng chục nhà đầu tư Mỹ, Nhật và Canada bày tỏ muốn tham gia làm đối tác chiến lược. Năm nay đơn vị dự kiến lợi nhuận sẽ tăng 55% lên 1.416 tỷ đồng (66 triệu USD), trong đó, doanh số xuất khẩu sẽ cán đích tỷ USD. Ngày 31/3, Minh Phú cũng sẽ chính thức hủy niêm yết trên sàn TP HCM.
Bên cạnh việc các đại gia lớn ngành thủy sản đua nhau “người mua vào kẻ bán ra” thì tại các doanh nghiệp thủy sản nhỏ hơn cũng đang từng bước chuyển mình và được nhiều đơn vị lớn cùng ngành ngỏ ý muốn hợp tác đầu tư khi sở hữu Nhà nước đang dần cạn.
Điển hình là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Mã AGF). Đơn vị này cho biết, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), cổ đông lớn đang sở hữu 8,24% vốn sẽ bán toàn bộ phần vốn góp tại đơn vị này vào giữa tháng 4, với mức giá 40.100 đồng một cổ phiếu. Hay trường hợp khác là Công ty cổ phần Việt An, trong giải trình mới đây với Ủy ban chứng khoán về việc cổ phiếu giảm sàn, cho hay ngoài việc hoạt động kinh doanh khó khăn thì Việt An và công ty tư vấn đang hoàn tất đề án tái cơ cấu giai đoạn 2015 – 2019 để giúp công ty từng bước ổn định khắc phục khó khăn. Theo đó, rất có thể sau tái cơ cấu, doanh nghiệp sẽ hấp dẫn hơn trong mắt không chỉ đối tác nội mà cả ngoại.
Đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) về thủy sản trong năm nay cũng cho rằng, 2015, quá trình mua bán sáp nhập (M&A) các nhà máy thủy sản sẽ diễn ra một cách mạnh mẽ. Doanh nghiệp yếu sẽ khó trụ vững trong quá trình cạnh tranh gay gắt nên đây chính là cơ hội cho đơn vị có tiềm lực tài chính mạnh.
Ông Trương Duy Khiêm – Giám đốc chi nhánh Lê Ngô Cát – Công ty Chứng khoán ABCS cũng nhìn nhận, thủy sản là chuỗi giá trị toàn cầu, từ khâu con giống, thức ăn, nuôi trồng, sản xuất đến đầu ra. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam hiện nay phần lớn là gia công nên giá trị mang lại thấp. Để thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị này, doanh nghiệp cần tiến sâu vào đầu tư hơn nữa, cách nhanh nhất là M&A. Do vậy, việc các doanh nghiệp lớn như Hùng Vương, Minh Phú hợp tác với đối tác ngoại hay mua cổ phần các công ty trong ngành sẽ mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho họ.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, tính đến nay, tín hiệu ngành thủy sản vẫn chưa hẳn là khả quan, bởi lẽ, năm qua các doanh nghiệp có lãi lớn chủ yếu nhờ hoạt động xuất khẩu tôm thuận lợi.
Hồng Châu