Sáp nhập ngân hàng kịch tính hơn

Báo cáo tình hình kinh tế tháng 3 và quý III vừa được Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia công bố. Theo đánh giá của cơ quan này, tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian qua đã được đẩy mạnh, trong đó xu hướng sáp nhập, hợp nhất diễn ra mạnh mẽ hơn. “Các thương vụ sáp nhập thời gian tới kỳ vọng nhiều điểm mới, kịch tính hơn, sẽ làm thay đổi thứ hạng và thị phần trên thị trường ngân hàng”, báo cáo của Ủy ban Giám sát nhận định.

Đánh giá trên được đưa ra trong bối cảnh đợt cao điểm của mùa đại hội cổ đông ngân hàng chuẩn bị diễn ra trong tháng 4 này. Tại đây, số phận nhiều ngân hàng sẽ được định đoạt rõ nét hơn. Ngoại trừ các trường hợp Maritime Bank-Mekong Bank, Sacombank-Southern Bank đã chốt phương án sáp nhập và được chấp thuận về nguyên tắc, cuộc hôn nhân của Nam A Bank và Eximbank có thể cũng sẽ được đặt ra tại cuộc họp cổ đông sắp tới của hai bên.

Vietinbank-0-8385-1427971456.jpg

Sự vào cuộc của các ông lớn ngân hàng quốc doanh như Vietinbank có thể khiến mùa sáp nhập, hợp nhất thêm kịch tính.

Không chỉ vậy, theo Ngân hàng Nhà nước, 3 “ông lớn” quốc doanh có thể sẽ tham gia đợt hợp nhất, sáp nhập lần này. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, năm 2015 có thể xử lý 6-8 ngân hàng. Còn Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng từng hé lộ danh tính 3 cặp có thể sáp nhập tự nguyện trong năm 2015 là Vietinbank-PGBank; Vietcombank-SaiGon Bank; BIDV và MHB.

Cũng vì quá trình tái cơ cấu, theo Ủy ban Giám sát, lợi nhuận hệ thống ngân hàng có xu hướng giảm. Cơ quan này cũng dẫn số liệu tự tổng hợp từ các ngân hàng cho thấy, năm 2014, lợi nhuận bình quân hệ thống giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2013.

Từ đầu năm 2015, Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước đã có hiệu lực. Theo Ủy ban Giám sát, thị trường chứng khoán đã không bị ảnh hưởng quá lớn bởi những quy định mới này như lo ngại trước đó, một phần do ảnh hưởng này đã xảy ra từ trước khi Thông tư có hiệu lực. Từ đầu năm đến ngày 17/3/2015, Vn-Index tăng 6,62% trong khi HNX Index tăng 2,87% và thị trường đã khôi phục lại mức 600 điểm. “Từ nay đến cuối năm, dòng tiền trong nước sẽ chảy vào thị trường mạnh hơn nếu Vn-Index vượt 600 điểm”, báo cáo dự đoán.

Từ đầu 2015, mặt bằng lãi suất liên tục giảm nhưng theo đánh giá của Ủy ban Giám sát xu hướng này không ảnh hưởng đến tiền gửi nội tệ của khách hàng. Đến 24/2, tiền gửi VND vẫn tăng 0,96% so với đầu năm. Nguyên nhân là tỷ lệ lạm phát đã giảm 1,5 điểm % (từ mức 1,84% trong tháng 12/2014 xuống 0,34% một năm trong tháng 2/2015), giúp duy trì lãi suất thực.

Lãi suất giảm cũng là nguyên nhân khiến cầu đầu tư cải thiện khi dư nợ tín dụng 3 tháng đầu tăng nhanh hơn cùng kỳ. Đến 20/3, tăng trưởng cho vay đạt 1,25% (cao hơn nhiều so với mức giảm 0,57% của cùng kỳ năm 2014).

Theo nhìn nhận của Ủy ban Giám sát, lãi suất từ nay đến cuối năm có thể giảm nhờ lạm phát thấp như hiện nay. Tuy nhiên, lãi suất có thể sẽ chịu áp lực từ việc gia tăng phát hành trái phiếu Chính phủ, nhất là khi trong năm 2015, việc phát hành chỉ thực hiện đối với kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Theo kế hoạch năm 2015 sẽ phát hành 232.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, tăng 7,7% so với năm 2014. Trên thực tế, lợi suất trái phiếu Chính phủ đã có dấu hiệu tăng lên trong tháng 3/2015. Ngoài ra, trong điều kiện USD lên giá so với các đồng tiền và xuất khẩu tăng chậm, lãi suất có thể phải duy trì để ổn định tâm lý thị trường.

Thanh Thanh Lan

0913.756.339