Sân bay Phú Quốc chưa thể bán cho tư nhân

Trao đổi với VnExpress về đề xuất nhượng quyền khai thác 3 công trình hạ tầng giao thông quan trọng này, người phát ngôn Chính phủ cho hay cơ quan này vẫn chưa chốt phương án cuối cùng.

“Chính phủ đang chờ ý kiến các bộ ngành tham mưu cho đề xuất mà Bộ Giao thông trình lên. Sau khi nhận được đầy đủ góp ý của các bên liên quan, Chính phủ mới quyết định”, Bộ trưởng Nên thông tin.

Giành quyền khai thác sân bay quốc tế tại Kiên Giang hiện là cuộc đua tay đôi của hai ông chủ các tập đoàn tư nhân – ông Đỗ Quang Hiển của Tập đoàn T&T và Công ty Liên Thái Bình Dương của ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

Theo đề xuất mà Bộ Giao thông Vận tải gửi lên Thủ tướng hồi tháng 3, việc nhượng quyền khai thác cảng hàng không Phú Quốc sẽ theo hình thức hợp đồng Kinh doanh – Quản lý (hợp đồng O&M). Đây là hợp đồng được ký giữa Nhà nước và nhà đầu tư để kinh doanh một phần hoặc toàn bộ công trình trong một thời gian nhất định.

Phu-Quoc-4958-1426064921-6825-1429958648

Cuộc chạy đua vào sân bay Phú Quốc chưa ngã ngũ

Bộ Giao thông cho rằng, với hình thức nhượng quyền khai thác sân bay, nhà đầu tư sẽ vận hành khai thác công trình có hiệu quả và trả lại nhà nước sau một thời gian nhất định. Người sử dụng (trong đó có các hãng hàng không) sẽ được hưởng dịch vụ tốt hơn với giá hợp lý hơn. Nhà nước sẽ thu hồi được một khoản kinh phí xác định. Nguồn tiền này có thể dùng để đầu tư một số công trình trọng điểm, giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước.

Bày tỏ quan điểm của Chính phủ về chủ trương kêu gọi các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, Bộ trưởng Nên khẳng định đây là chủ trương “hết sức cần thiết” trong bối cảnh ngân sách khó khăn. 

“Chủ trương này đã được triển khai tích cực đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng công trình, chất lượng dịch vụ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống nhân dân”, Bộ trưởng bày tỏ.

Đại diện Chính phủ cho biết thêm, trong quá trình triển khai, Chính phủ luôn quan tâm vấn đề bảo đảm vai trò quản lý của Nhà nước, nhất là đối với các lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc phòng, dân sinh. “Vấn đề kiểm soát độc quyền, công khai, minh bạch; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng; không làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước cũng phải đặc biêt chú ý”, ông Nên nhấn mạnh.

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Trung ương về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ mới đây Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, vừa bảo đảm vai trò quản lý của Nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện và huy động tối đa các nguồn lực nhất là nguồn lực xã hội hoá đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội theo quy hoạch.

Chí Hiếu

0913.756.339