Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thanh Hóa, quỹ tín dụng nhân dân Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa bị phát hiện đã có nhiều sai phạm trầm trọng trong hoạt động tín dụng dẫn đến tỷ lệ nợ xấu lên tới 80%, 100% tiền gửi đều đã quá hạn mà không có khả năng thanh toán, gây bức xúc cho người gửi tiền, có nguy cơ mất ổn định về an ninh chính trị trên địa bàn.
Trước đó, hàng trăm hộ dân ở các xã Hoằng Đồng, Hoằng Thịnh, Hoằng Ngọc… đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng phản ánh gửi tiền tại quỹ tín dụng Hoằng Đồng nhưng không rút được. Trong đó, gia đình ông Nguyễn Văn Nguyên (xã Hoằng Đồng) gửi ngắn hạn với tổng số tiền 235 triệu đồng, song từ tháng 11/2013, gia đình nhiều lần đến quỹ để rút tiền nhưng không nhận được đồng nào. Các sổ tiết kiệm tới hạn được cho là bị thay đổi thời gian.
Quỹ tín dụng nhân dân Hoằng Đồng (Thanh Hóa) bị mất khả năng thanh toán. Ảnh: Lê Hoàng |
Nhiều trường hợp người gửi tiền ở quỹ là người già, neo đơn, khi ốm đau lên cũng không rút được tiền, đơn cử như cụ Hoàng Thị Xuân, hơn 100 tuổi (cùng xã), gửi tiết kiệm ở quỹ 9 triệu đồng nhưng khi ốm cần tiền không được giải quyết.
Bà Hán Thị Yến (xã Hoằng Đồng) cho hay gia đình có mấy trăm triệu đồng đang chuẩn bị mua đất cho con thì giám đốc Quỹ Tín dụng nhân dân Hoằng Đồng Nguyễn Hữu Nha đến tận nhà vận động gửi tiền vào quỹ. Đến khi gia đình có việc cần rút tiền thì đại diện quỹ nói đang đi thu hồi nợ rồi cứ khất mãi cho đến nay. Hiện gia đình bà Yến còn 180 triệu đồng “chôn” tại đây. Hàng trăm hộ dân khác ở huyện Hoằng Hóa cũng đang trong tình cảnh tương tự.
Qua kiểm tra của các cơ quan chức năng, mức độ vi phạm pháp luật trong hoạt động tín dụng của quỹ Hoằng Đồng rất nghiêm trọng, khả năng tài chính yếu kém, mất khả năng thanh khoản trầm trọng. Cụ thể, quỹ đã tiến hành cho vay 62 tỷ đồng trên tổng vốn 66 tỷ đồng, chủ yếu cho các doanh nghiệp bên ngoài như Công ty Hoàng Mạnh vay 16,1 tỷ đồng, Công ty Long Tú vay trên 19,2 tỷ đồng, Công ty Kim Phương vay 3,374 tỷ đồng, Công ty Quốc Đại vay 1,4 tỷ đồng…
Đến nay, hầu hết các đơn vị này không có khả năng trở nợ. Công ty Hoàng Mạnh đang nợ tiền lãi trên 1,1 tỷ đồng, Công ty Long Tú nợ 5,2 tỷ đồng, Công ty Quốc Đại đã bị vỡ nợ…
Ông Nguyễn Đình Xứng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết để xảy ra tình trạng này là do hội đồng quản trị và ban kiểm soát quỹ đã buông lỏng quản lý, có hành vi che giấu sai phạm nhằm đối phó với các cơ quan quản lý nhà nước…
Ông Xứng cho hay đã yêu cầu công an tỉnh tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vi phạm tại Quỹ tín dụng nhân dân Hoằng Đồng; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động của ông Nguyễn Hữu Nha (Giám đốc Quỹ Tín dụng nhân dân Hoằng Đồng) và các cá nhân liên quan đồng thời cân nhắc thời điểm khởi tố vụ án.
Theo ông Nguyễn Thanh An, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thanh Hóa, Quỹ Tín dụng nhân dân Hoằng Đồng để xảy ra tình trạng mất khả năng thanh toán là do sử dụng vốn không đúng mục đích, cho vay sai đối tượng.
Để cứu quỹ này, UBND tỉnh Thanh Hóa đang đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, giải quyết cho quỹ vay vốn đặc biệt để chi trả tiền gửi tiết kiệm của người dân.
Quỹ tín dụng nhân dân ra đời tại Việt Nam vào năm 1993, do các thành viên tự nguyện thành lập và hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Quỹ tín dụng được huy động vốn, cho vay vốn và thực hiện các dịch vụ ngân hàng khác theo giấy phép hoạt động. Riêng quỹ tín dụng nhân dân cơ sở chỉ được hoạt động trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi đặt trụ sở quỹ.
Theo đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015 được Thủ tướng phê duyệt năm 2012, hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân sẽ được tái cơ cấu mạnh mẽ. Đến nay, quỹ tín dụng nhân dân Trung ương đã chuyển sang hoạt động theo mô hình ngân hàng hợp tác xã và đổi tên thành Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.
Các quỹ tín dụng nhân dân tại địa phương cũng được yêu cấu phải chấn chỉnh, củng cố lại, theo hướng tổ chức nào yếu kém hoạt động thua lỗ kéo dài, mất khả năng chi trả sẽ bị thu hồi giấy phép, giải thể, thanh lý tài sản và người gửi tiền sẽ được Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam chi trả.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020 với mục đích xóa đói giảm nghèo. Ngay tại Thanh Hóa, Ngân hàng Nhà nước trong tháng 8 đã cấp phép cho tổ chức tài chính vi mô Thanh Hóa được hoạt động như một ngân hàng thu nhỏ với số vốn điều lệ 6,1 tỷ đồng.
Đây là đơn vị thứ ba được cấp phép trong vòng 4 năm qua, kể từ khi có chủ trương chuyển đổi và nâng cấp các tổ chức tài chính vi mô bán chính thức trở thành các tổ chức tài chính vi mô chính thức do Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép. Hai tổ chức đã được cấp phép trước đó là Tình Thương năm 2010) và M7 (năm 2012)…
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Dự thảo Thông tư về hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân nhằm đưa mô hình này vào khuôn khổ. Cụ thể, quỹ tín dụng nhân dân không được cho vay không có bảo đảm, hoặc kèm theo điều kiện ưu đãi đối với các thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, giám đốc,… và người có liên quan. Tổng mức dư nợ cho vay đối với các đối tượng trên không được vượt quá 5% vốn tự có và phải công khai.
Dự thảo cũng yêu cầu tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của quỹ tín dụng nhân dân và không được vượt quá 25% vốn tự có đối với khách hàng và người có liên quan.
Lê Hoàng – Phương Linh