Phó tổng giám đốc Viettel: Sóng 2G có thể tắt sau 10 năm nữa

Ông Đỗ Minh Phương – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho rằng, xu hướng công nghệ trên thế giới là “khai tử” 2G để chuyển lên 3G, 4G, 5G. Tuy nhiên, kế hoạch đó tại Việt Nam cần có lộ trình phù hợp, thậm chí xem xét khả năng trợ giá smartphone cho người dùng. 

– Tại nghị tổng kết năm vào cuối tuần trước, lãnh đạo Viettel vừa có đề xuất với Bộ Thông tin & Truyền thông về việc tắt sóng 2G để chuyển sang các thế hệ mạng cao hơn. Ông lý giải như thế nào về đề xuất này?

– Hiện một số nước khu vực Châu Á đã lên kế hoạch khai tử 2G vào năm 2017. 3 nhà mạng của Singapore là M1, Singtel và StarHub là những nhà mạng mới nhất đưa ra lịch trình khai tử mạng 2G. Cụ thể, ngày 1/4/2017, mạng 2G của các nhà mạng này sẽ được “khai tử”. Nước láng giềng Thái Lan thì yêu cầu một số nhà mạng tắt 2G ngay trong năm 2015 này.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng với điều kiện kinh tế của Việt Nam thì lộ trình có thể phải kéo dài hơn vì còn rất nhiều khách hàng chưa có smartphone. Đã nói đến lộ trình thì nhanh nhất cũng phải 5 năm, dài là 15 năm. 2G ở Việt Nam đã được 25 năm, lộ trình hợp lý để tắt 2G có thể là 2025, tức là sau 10 năm nữa. 

pho-tong-giam-doc-viettel-song-2g-co-the-tat-sau-10-nam-nua

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, ông Đỗ Minh Phương cho rằng cơ quan quản lý nên xây dựng lộ trình để tắt sóng 2G. 

– Khi tắt sóng 2G thì ở góc độ cơ quan quản lý và nhà mạng sẽ được những gì?

– Việc tắt sóng 2G cũng giống như việc số hóa truyền hình hiện nay. Đó là chúng ta sẽ thu hồi được băng tần 900 MHZ đang sử dụng cho mạng 2G để dùng cho mạng 4G, 5G. Đây là băng tần tốt để phát triển các công nghệ băng rộng. Sau khi tắt sóng 2G, cơ quan quản lý sẽ đem băng tần 900 MHz này tiến hành đấu giá theo như quy định của Luật Tần số. Khi đó, Nhà nước sẽ thu được khoản tiền đấu giá này để có thể đầu tư phát triển. 

Đối với doanh nghiệp viễn thông thì có băng tần tốt để phát triển các dịch vụ cho khách hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ chỉ tập trung vào công nghệ chính và đầu tư mạng lưới tốt hơn chứ không phải sử dụng quá nhiều công nghệ như 2G, 3G, 4G và thậm chí cả 5G cùng lúc. 

– Còn ở khía cạnh người tiêu dùng, họ sẽ được gì khi lộ trình này được thực hiện thưa ông? 

– Về phía người dùng tôi cho rằng khi chuyển sang 3G và sắp tới là 4G lúc đó các nhà mạng sẽ tiến tới miễn phí thoại và SMS. Với 4G thì thoại và nhắn tin đều trên nền internet nên giá sẽ gần như bằng 0.

4G cũng sẽ là cuộc cách mạng về dịch vụ nội dung nhiều tiện ích cho người sử dụng. Với công nghệ 4G siêu băng rộng, thì rất nhiều dịch vụ tiện ích sẽ được triển khai trên đó, trong đó có cả dịch vụ hành chính công. Người dân sử dụng smartphone kết nối 4G có thể thực hiện các giao dịch điện tử, đào tạo từ xa, y tế từ xa… không phải đến xếp hàng nơi trụ sở chính quyền, sẽ thuận tiện hơn rất nhiều.

– Số liệu cho thấy, hiện đa số khách hàng vẫn không có nhu cầu sử dụng data mà chỉ cần nghe, gọi. Hơn nữa, ở một số khu vực, thậm chí việc phủ sóng 2G còn rất yếu. Vậy nhà mạng có đảm bảo khi tắt sóng 2G và thay vào đó là 3G, 4G thì hạn chế đó được khắc phục hay không? 

– Như tôi đã nói ở trên, Việt Nam có 10-15 năm nữa để chuẩn bị, nhưng cần tuyên bố từ bây giờ để người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý có chuẩn bị, cũng như đã từng tuyên bố tắt truyền hình analog trước 10 năm.

2G không có nghĩa là thoại và 3G không có nghĩa là data. Đây là tên gọi của các công nghệ. 3G là tên của công nghệ tiếp theo hiện đại hơn, thông minh hơn. Khi tắt 2G thì cả thoại và data vẫn sẽ chạy trên hạ tầng mạng 3G. Ở Peru, Viettel chỉ cung cấp dịch vụ 3G và người dân vẫn nghe gọi bình thường. Nhưng khi bỏ bớt công nghệ cũ và sử dụng công nghệ mới, các dịch vụ được tích hợp trên một công nghệ thì chi phí sẽ giảm. Đó là cơ sở để người dân được sử dụng dịch vụ với chi phí thấp hơn. 

– Khi tắt sóng 2G đồng nghĩa với việc, khách hàng sẽ phải thay máy điện thoại, trong khi đó những người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa sẽ khó khăn khi họ không có đủ tiền mua một chiếc smartphone mới. Ông nghĩ sao về điều này?

– Hiện nay, giá máy điện thoại 3G đã giảm rất nhiều. Một vài năm tới sẽ còn rẻ nữa, rẻ như máy điện thoại 2G. Cả máy điện thoại 4G cũng sẽ như vậy. Điều này cũng giúp cho người dân có thể sử dụng các sản phẩm này với giá rẻ.

Hiện nay mỗi năm Việt Nam có đến 15-20 triệu người chuyển từ 2G lên 3G. Với tốc độ như vậy, 10 năm nữa, số lượng người dùng 2G sẽ không còn nhiều. Khi phải tắt 2G, nhà mạng và Chính phủ sẽ phải hỗ trợ người dân đổi máy. Ví dụ tại Thái Lan, khi tắt sóng 2G thì nhà mạng sẽ phải bỏ tiền ra bù máy smartphone cho khách hàng. Hiện nay, Viettel cũng đã có một số chương trình hỗ trợ cho khách hàng khi chuyển sang dùng máy 3G. 

Ngọc Tuyên

0913.756.339