Ứng dụng thanh toán điện tử trong hoạt động kinh doanh và quản lý Nhà nước hiện là xu hướng chung trên toàn thế giới và Việt Nam không nằm ngoài số đó. Theo chỉ đạo của Chính phủ, từ tháng 2/2014, Bộ Tài chính đã triển khai chương trình nộp thuế điện tử, cho phép doanh nghiệp nộp thuế thông qua tài khoản mở tại ngân hàng thương mại và được xác nhận việc nộp thuế bằng chứng từ điện tử.
Đến nay, 98% doanh nghiệp đã thực hiện khai thuế qua mạng và khoảng 90% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử qua kết nối liên thông với các ngân hàng thương mại, từ đó cắt giảm được hàng chục giờ nộp thuế, giảm phiền hà cho doanh nghiệp trong nước và cải thiện hình ảnh môi trường kinh doanh Việt Nam trong mắt nhà đầu tư.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc nhận định thu thuế trực tuyến sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Giang Huy |
Nộp thuế điện tử cũng là động lực khiến doanh nghiệp đổi mới mô hình quản trị theo hướng minh bạch, hiện đại hơn để bắt kịp xu hướng thay đổi của quốc tế và những quy định của cơ quan quản lý Nhà nước. Một tổ chức nước ngoài luôn muốn giao dịch với doanh nghiệp có sổ sách minh bạch, nếu sử dụng quá nhiều tiền mặt sẽ khiến đối tác nghi ngờ và khó làm ăn hơn.
Tuy nhiên, từ việc đăng ký đến thực hiện nộp là một quãng đường còn dài bởi số chứng từ nộp thuế và số tiền nộp ngân sách bằng phương thức điện tử còn thấp. Để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 90%, Việt Nam cần những giải pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến hệ thống pháp luật chung, cùng sự phối hợp đồng bộ từ cơ quan thuế đến các đơn vị bổ trợ như ngân hàng, trung gian thanh toán và doanh nghiệp.
Đầu tiên và quan trọng nhất là phải xây dựng lòng tin cho doanh nghiệp, để họ không còn cảm thấy khó khăn khi áp dụng nộp thuế không dùng tiền mặt.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị ngành thuế cần cải tiến phần mềm hệ thống kê khai để thao tác dễ dàng hơn. Mỗi khi có quy định mới ra đời thì các hỗ trợ liên quan phải đồng thời cập nhật phần mềm. Việc nâng cấp phần mềm kê khai phải thông báo cho doanh nghiệp để doanh nghiệp khai đúng với phần mềm đang sử dụng tránh phải kê khai lại nhiều lần.
Doanh nghiệp cũng luôn mong tối đa hóa nguồn vốn của mình cho hoạt động kinh doanh nên thường phải đến hạn cuối cùng mới nộp thuế, gây tắc nghẽn vào những ngày áp chót. Do đó, hạ tầng công nghệ thông tin đóng vai trò hết sức quan trọng. Chính phủ cần chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn tham gia xây dựng, vận hành hệ thống thông tin để nâng cấp đường truyền, đảm bảo kê khai, nộp thuế được nhanh chóng, thông suốt.
Thứ hai là phải đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu chính sách và vận động họ đăng ký nộp thuế điện tử.
Nhiều ý kiến cho rằng các phương thức tuyên truyền như công văn, văn bản được một số chi cục thuế gửi qua đường bưu điện không đạt hiệu quả cao do thường chậm trễ, không kịp thời. Nhiều địa phương hiện nay đã áp dụng các biện pháp đa dạng và sáng tạo, phù hợp với đặc thù của địa bàn tỉnh và cần được nhân rộng. Ví dụ như tại Đà Nẵng, ngành thuế đã kết hợp với các ngân hàng thương mại tổ chức “Ngày hội đăng ký nộp thuế điện tử”, mời doanh nghiệp tới tìm hiểu thông tin và nhận quà của ngân hàng… Với địa bàn khó khăn, nhiều huyện còn nghèo và xa xôi như Quảng Nam thì cán bộ phải vận động nhiều hơn, đi tới doanh nghiệp nhiều hơn để giải thích chính sách, động viên doanh nghiệp.
Các ngân hàng, trung gian thanh toán cũng phải kết nối với nhau để hỗ trợ doanh nghiệp nộp thuế điện tử. Qua quá trình khảo sát, ở mỗi địa phương, kho bạc nhà nước chỉ mở một tài khoản thu ngân sách tại một ngân hàng thương mại. Việc chuyển tiền này sẽ rất hạn chế nếu kết nối giữa hai ngân hàng chưa tốt hoặc rất phiền phức nếu doanh nghiệp ghi sai thông tin của đơn vị nhận tiền trên hệ thống.
Trình độ của các chi nhánh ngân hàng trong cùng hệ thống chưa đồng nhất cũng gây nên thực trạng một số chi nhánh ở các ngân hàng cấp huyện, xã còn chưa quen với việc hướng dẫn doanh nghiệp giao dịch điện tử và giải quyết vấn đề khi gặp vướng mắc, khiến thời gian nộp thuế điện tử bị kéo dài.
Về phía doanh nghiệp, trình độ công nghệ thông tin cần được nâng cao. Một tình trạng khá phổ biến hiện nay là trình độ công nghệ thông tin của nhiều lãnh đạo và cán bộ doanh nghiệp còn thấp, thói quen sử dụng máy tính và internet chưa phổ biến. Chính điều này dẫn đến những e ngại khi nộp thuế điện tử và thói quen sử dụng tiền mặt cần phải khắc phục.
Do vậy, Nhà nước cần có những hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể để doanh nghiệp áp dụng và sử dụng thành thạo phần mềm quản lý nội bộ, cài đặt hệ thống quản lý chữ ký số, kê khai và nộp thuế điện tử. Việc phân cấp quản trị nội bộ cũng có nhiều việc phải làm như đào tạo lại nhân viên các nghiệp vụ liên quan tới báo cáo thuế và nộp thuế, điều chỉnh hình thức phê duyệt chứng từ truyền thống…
Một Chính phủ vận hành hiệu quả tức là nguồn lực bỏ ra sẽ ngày càng ít và minh bạch hơn. Hành trình để Việt Nam xây dựng thành công Chính phủ điện tử và trở thành một trong những quốc gia hàng đầu khu vực về mức độ thuận lợi cho doanh nghiệp dài hay ngắn, nhanh hay chậm phụ thuộc vào cách làm, sự phối hợp quyết liệt của các bên liên quan.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Sáng ngày 16/12/2015 tại Hà Nội, Báo điện tử VnExpress và Ngân hàng Nhà nước đã đồng tổ chức Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015), với sự tham gia của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới và 20 diễn giả là các nhà lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành đến từ lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bán lẻ, thương mại điện tử và công nghệ thông tin. Với hai chủ đề chính: Thanh toán điện tử hỗ trợ dịch vụ công & doanh nghiệp và Thanh toán điện tử trước xu hướng tiêu dùng mới, VEPF 2015 là dịp các bên liên quan thảo luận, tìm kiếm giải pháp phối hợp hành động nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển, hướng tới mọi đối tượng trong xã hội có thể tiếp cận dễ dàng các dịch vụ tài chính. Độc giả có thể truy cập địa chỉ http://vepf.vnexpress.net để cập nhật thông tin về Diễn đàn VEPF. Đối tác phối hợp thực hiện Diễn đàn là Công ty Chuyển mạch Tài chính Quốc gia (Banknetvn) và các đơn vị tài trợ: Vietcombank, VietinBank, Sacombank, TPBank, MasterCard, Visa, JCB, Vietbank và VnPay. |