Đang vào niên vụ song nhiều hecta ớt tại xã Hoa Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) đang bị bỏ chín rũ ngoài đồng. Người nông dân không buồn thu hoạch vì hái về cũng không biết bán cho ai. Trước đó, từ năm 2014, nông dân xã Hoa Sơn bắt đầu thử nghiệm trồng ớt cao sản và được một công ty nông sản ở tỉnh Thanh Hóa cam kết thu mua, mang về thu nhập 4–8 triệu đồng một sào. Với năng suất và thu nhập như vậy, năm 2015, nhiều hộ đã chuyển đổi diện tích hoa màu sang trồng ớt.
Tuy nhiên đến năm nay, phía công ty mới thu mua một lần với giá 5.500 đồng một kg rồi không quay trở lại. Số tiền này, các hộ dân cũng không nhận được vì phía công ty trừ vào vốn đầu tư giống ban đầu.
Doanh nghiệp không thu mua khiến nhiều ruộng ớt chín phải bỏ đi. Ảnh: Khánh Thành |
Vợ chồng bà Lê Thị Hoa (xã Hoa Sơn) có 3 sào ớt. Theo mức thu nhập năm 2014, diện tích này sẽ cho lãi gần 30 triệu đồng sau khi đã trừ các chi phí (khoảng 10 triệu đồng). Tuy nhiên sau đợt thu mua đầu tiên năm nay, gia đình bà mới bán được hơn 6 triệu đồng tiền ớt.
Sau một thời gian chờ đợi nhưng không thấy phía công ty liên lạc lại, bà Hoa bàn với chồng phá bỏ hơn 3 sào ớt để làm đất chuẩn bị cho vụ ngô sắp tới. “Xót lắm nhưng giờ chúng tôi cũng chẳng biết làm sao, đành phải phá bỏ đi để làm ngô, chứ ớt chín thối khắp vườn mà có ai thèm hái đâu”, bà Hoa nói.
Bà Nguyễn Thị Mến – Trưởng xóm 4 (xã Hoa Sơn) cho biết toàn xóm có 12 ha diện tích trồng ớt cao sản. Do không có ai mua nên người dân phải chấp nhận trắng tay để phá bỏ gần hết, chuyển đổi sang trồng các loại cây khác. “Đây là loại ớt không cay nên khi phía công ty không thu mua nữa, chúng tôi không biết xử lý làm sao. Cũng không thể hái về phơi khô để làm ớt bột được nên đành để chúng rụng cả ruộng”, bà Mến cho biết.
Nhiều hộ dân đã quyết định phá ớt để trồng cây hoa màu khác. Ảnh: Khánh Thành |
Ông Nguyễn Hữu Thọ – Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn cho biết sau nhiều lần liên lạc với công ty nhưng không được, xã đã quyết định gọi một doanh nghiệp khác ở Hà Tĩnh về xem ớt để thu mua cho bà con. Sau khi đã khảo sát, công ty này ký hợp đồng thu mua 100 tấn, song mới được 20 tấn thì dừng.
Theo ông Nguyễn Đình Đăng – Trưởng phòng Nông nghiệp & phát triển nông thôn huyện Anh Sơn cho biết toàn huyện có hơn 30 hecta diện tích trồng ớt tại 6 xã. Việc doanh nghiệp dừng thu mua và nợ khoảng 300 triệu đồng tiền hàng trước đó khiến người dân rơi vào cảnh lao đao. Hiện Sở Nông nghiệp Nghệ An đang yêu cầu huyện báo cáo rõ vấn đề đang xảy ra để tìm hướng khắc phục.
Khánh Thành – Phương Linh