Nới điều kiện nhập khẩu máy móc cũ

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Thông tư số 23 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Đây cũng là văn bản thay thế Thông tư 20 được ban hành vào tháng 7/2014.

Trao đổi với VnExpress, ông Đỗ Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Thẩm định, đánh giá và giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết điểm mới nhất của quy định lần này là máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải đáp ứng tuổi thiết bị không quá 10 năm và đã được sản xuất phù hợp quy chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và môi trường.

noi-dieu-kien-nhap-khu-may-moc-cu

So với quy định trước đó, Thông tư 23 được đánh giá là nới các điều kiện cho các doanh nghiệp nhập thiết bị, máy móc cũ.

Lý giải thêm về quy định tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu, vị này cho biết vòng đời công nghệ thiết bị trung bình khoảng 7-10 năm tùy thuộc ngành, lĩnh vực. Thông tư không sử dụng tiêu chí chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu, thay vào đó áp dụng quy chuẩn khi sản xuất thiết bị. Điều này giải quyết được một số ý kiến lo ngại có thể để lọt máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ Trung Quốc kém chất lượng nhưng vẫn đáp ứng về thời gian dưới 10 năm.

“So với quy định trước đó, đối tượng được đề cập lần này hẹp hơn nhiều. Tất cả máy móc thiết bị nằm trong danh mục gây mất an toàn được loại ra khỏi phạm vi điều chỉnh”, ông Nam nói. Để đáp ứng yêu cầu khi nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng, doanh nghiệp cần nộp giấy xác nhận của chính nhà sản xuất hoặc chứng thư của tổ chức giám định. 

Điểm đặc biệt nhất, theo lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ, là đối với các dự án đầu tư mới hoặc mở rộng trong đó có nhu cầu dịch chuyển dây chuyền máy móc từ nước ngoài vào Việt Nam. Nếu hồ sơ dự án có đề cập mong muốn thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư sẽ có quyền quyết định mà không phải thực hiện theo yêu cầu của thông tư.

Đối với tổ chức giám định, ông Nam cho biết cơ quan nhà nước chỉ yêu cầu giám định hàng hóa theo yêu cầu Luật thương mại. Tức là sẽ có sự tham gia của nhiều tổ chức giám định trong và nước ngoài, miễn là đáp ứng đủ các điều kiện theo Luật định. Sau khi gửi hồ sơ, Bộ sẽ xem xét và công khai danh sách các đơn vị giám định trên cổng thông tin.

Thủ tục hải quan cũng được đánh giá là “thông thoáng” hơn. Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần đưa hồ sơ cho cơ quan hải quan, trong trường hợp chưa kịp chứng minh tuổi đời của thiết bị hoặc tiêu chuản kỹ thuật, hàng sẽ được đưa về bảo quản. Điều này tránh được tình trạng ách tắc tại cửa khẩu.

Trước lo ngại về việc nới điều kiện sẽ khiến Việt Nam trở thành bãi rác công nghiệp, ông Nam cho rằng Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ là đầu mối để ra một quy định chung. Với mỗi danh mục hàng hóa trong từng lĩnh vực cụ thể, các Bộ ngành liên quan sẽ tiếp tục ban hành văn bản hướng dẫn thi hành khác nhằm thống nhất và đảm bảo việc quản lý việc nhập khẩu máy móc, thiết bị sát sao.

Trước đó, Thông tư 20 đã được Bộ này ban hành tháng 7/2014, nhưng vấp phải sự phản đối của doanh nghiệp đặc biệt là khối FDI vì cho rằng những tiêu chuẩn của thông tư này khá cao, không thể đáp ứng được. Ngoài ra, theo quy định các Bộ ngành liên quan phải tổ chức 2-3 đơn vị giám định. Song, sau khi văn bản được ban hành, không một cơ quan nào tìm được tổ chức giám định, gây khó khăn cho việc kiểm định hàng hóa ở cảng. Vì vậy, Bộ đã phải “khai tử” Thông tư 20 ngay khi vừa có hiệu lực.

Thông tư mới có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016.

Thành Tâm

0913.756.339