Theo Fortune, Trung Quốc là nước có nhiều nhà đầu tư định cư bị mắc sai lầm trong những năm qua với nhiều lý do như phía quản lý vốn sử dụng tiền sai mục đích, không minh bạch trong tài chính, pháp lý dự án không đầy đủ, tiếp thị sai sự thật…
Đa phần các dự án đầu tư định cư Mỹ diện EB-5 có cấu trúc tài chính theo phương thức cho vay mượn. Tất cả tiền của nhiều nhà đầu tư được quản lý bởi một công ty TNHH gọi là “general partner” (viết tắt là GP). Công ty GP này thường được một công ty quản lý vùng (regional center) hoặc một công ty khác có liên quan hoặc không liên quan đến nhà phát triển dự án quản lý.
Theo cấu trúc này thì tiền của nhà đầu tư không được chuyển thẳng vào dự án mà thông qua công ty GP. Nói cách khác, dự án chưa bao giờ có mối quan hệ trực tiếp với nhà đầu tư EB-5 và dự án cũng không biết nhà đầu tư là ai. Phía nhà phát triển dự án chỉ biết công ty TNHH quản lý vốn, tức là công ty cho dự án vay tiền.
Đa phần nhà đầu tư chỉ nhìn nhận dự án theo các yếu tố bề nổi như quy mô, tên tuổi thương hiệu, hứa hẹn bằng lời nói, nội dung tiếp thị hấp dẫn. Một số dự án dùng phương thức tâm lý như “chính phủ”, quan hệ trong chính quyền… để tạo thêm niềm tin cho nhà đầu tư.
Theo ông Trần Văn Tỉnh, nhà đầu tư sẽ gặp rủi ro nếu chỉ quan tâm thông tin quảng cáo dự án trong khi điểm quan trọng nhất – ai quản lý tiền lại không biết. |
Cũng theo quy trình đầu tư trên thì nhà đầu tư rất sai lầm khi chỉ nhìn vào dự án để thẩm tra trong khi người quản lý tiền của mình thì không thẩm tra. Trách nhiệm pháp lý hoàn vốn cho nhà đầu tư là công ty quản lý vốn, không phải dự án. Dự án có trách nhiệm trả nợ cho công ty quản lý vốn. Do vậy, cần thẩm tra dự án là ai, tiểu sử, tài chính, độ tín nhiệm, kế hoạch trả nợ… nhưng quan trọng hơn là xác minh công ty quản lý vốn trực tiếp của nhà đầu tư.
Đối với nhà đầu tư EB-5 thì lãi trong đầu tư không quan trọng bằng việc dự án tạo ra việc làm để xóa điều kiện thẻ xanh và hoàn vốn an toàn. Quy mô và tên tuổi của thương hiệu dự án cũng không liên quan trong đầu tư EB-5 vì nhà đầu tư không bao giờ đầu tư trực tiếp vào dự án và cũng không được xem là cổ đông góp vốn.
Với một vài dự án nhỏ như mở nhà hàng, kinh doanh ẩm thực ăn uống nói chung, nhà đầu tư có thể có vốn trực tiếp như cổ đông song rủi ro cho thẻ xanh cực kỳ quan trọng. Với hình thức đầu tư này thì công việc được tạo ra hoàn toàn phụ thuộc vào việc làm trực tiếp trong nhà hàng. Nếu 6 tháng nhà hàng thua lỗ thì không thể duy trì việc làm để lấy thẻ xanh vĩnh viễn sau 2 năm. Thực tế tại Mỹ, F&B là một trong những ngành có cạnh tranh và rủi ro cao nhất.
Một sai lầm nghiêm trọng khác là vì dự án có quá nhiều thông tin pháp lý, thậm chí tài liệu có cả gần 1.000 trang, tuy nhiên nhà đầu tư không được đọc hoặc đọc qua loa các bản tóm tắt thay vì phải đọc và thẩm định. Có những điều khoản công bố rủi ro (risk disclosure) bắt buộc công bố theo luật thì bị các công ty tiếp thị dự án cắt bớt để nhà đầu tư “không cảm thấy lo sợ”.
Một số nhà đầu tư thì cần đi thăm dự án để yên tâm. Việc này lại càng sai lệch vấn đề khi đi xem miếng đất trống nằm đó hoặc chỉ thấy công việc xây dựng đang tiến triển thì “an tâm” hơn. Những việc bề nổi như thế này chỉ làm thỏa mãn các lo lắng không đúng chỗ của nhà đầu tư.
Nhiều nhà đầu tư cũng có xu hướng chọn dự án liên quan đến ngành nghề tương tự công việc mình đang làm ở Việt Nam để có thể kiểm soát nhiều hơn. Điều này cũng không phải là lựa chọn sáng suốt bởi nhà đầu tư không có vốn trực tiếp trong dự án và cũng không có quyền hạn gì. Ví dụ trong lĩnh vực quản lý quỹ đầu tư, nhà đầu tư gửi 5-10 triệu USD cho người quản lý vốn và chỉ cần tìm hiểu và tin người quản lý vốn chứ không cần biết nhiều người này sẽ dùng vốn của mình đầu tư vào cái gì, ở đâu. Niềm tin trong trường hợp này phải đặt đúng người quản lý vốn chứ không phải đặt vào dự án.
Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua yếu tố tâm lý. Nhà đầu tư thường theo tiếng đồn của một xu hướng nào đó hoặc nghe ý kiến người quen ở Mỹ và đưa ra kết luận để chọn dự án đầu tư một cách rất cảm tính thay vì dùng lý trí, kinh nghiệm và dữ liệu để phân tích. Đôi khi quyết định đặt niềm tin chỉ bằng một cảm giác lại chính xác an toàn hơn sự phân tích bằng dữ liệu. Song về khía cạnh tài chính, pháp lý trong đầu tư thì không nên bỏ qua các yếu tố cơ bản.
Trần Văn Tỉnh
Chủ tịch IMM Group, cố vấn công ty IMM Immigration